cam thảo đất
Rate this post

Cam thảo đất

cam thảo đất

Cam thảo là một vị thuốc có nhiều công dung. Cuốn sách “Thần nông bản thảo” ở thế kỷ thứ 3 trước công nguyên đã nói đến Cam thảo. Những cuốn sách bản thảo (sách nói về dược) trong Ðông y đều cho rằng Cam thảo có vị ngọt tính bình, có tác dụng bổ trung ích khí, giải co thắt giảm đau, nhuận phế giảm khát, thanh nhiệt giải độc, giải độc thuốc và thức ăn, điều hòa tính vị của các vị thuốc khác. Nhiều lang lang y nhấn mạnh 2 tác dụng chính của Cam thảo là:

– Tác dụng điều hòa các vị thuốc: thuốc nhiệt gia thêm Cam thảo thì tính sẽ bớt nhiệt, thuốc hàn gia Cam thảo thì bớt hàn, thuốc có tác dụng mạnh sẽ làm cho hòa hoãn…

-Tác dụng giải độc: cam thảo năng giải bách dược độc.

Sau đây chúng ta sẽ nghiên cứu về tác dụng của cam thảo đất

Tên thường gọi là Cam thảo đất

Tên khác là Cam thảo nam, Dạ cam thảo, thổ cam thảo hoặc tứ thời trà…

Tên khoa học là scorparia dulcis L

Cam thảo đất thuộc  họ Hoa mõm sói – Scrophulariacea

Đặc điểm thực vật:

Là cây thảo mọc thẳng đứng, cao khoảng 30-80 cm, có thân nhẵn hoá gỗ ở gốc và rễ to hình trụ. Lá là lá đơn mọc đối hay mọc vòng ba lá một, phiến lá hình mác hoặc hình trứng có ít răng cưa ở nửa trên, không lông. Hoa cam thảo đất nhỏ, màu trắng, mọc riêng lẻ hay thành từng đôi ở nách lá. Quả loại  nang nhỏ chứa nhiều hạt.

Cây ra hoa quả vào tháng 5-7.

Bộ phận dùng của cây:

Dùng toàn cây

Nơi sống và thu hái:

Cam thảo đất thuộc loài liên nhiệt đới mọc khắp nơi ở đất hoang ven các đường đi, bờ ruộng. Cây có thể trồng bằng hạt vào mùa xuân. Thu hái toàn vào mùa xuân hè, cây rửa sạch, thái nhỏ dùng tươi hoặc phơi hay sấy khô để dùng dần.

Thành phần hóa học của cây:

Cây có chứa một lượng alcaloid và một chất đắng; ngoài ra còn có nhiều acid silicic và một hoạt chất gọi là amellin. Phần của cây trên mặt đất chứa một chất dầu sền sệt, mà trong thành phần có dulciol, scopariol, có manitol và glucose. Rễ chứa  manitol, tanin, alcaloid, một hợp chất triterpen. Vỏ rễ có chứa hexcoxinol, b-sitosterol và manitol.

Tính vị và tác dụng của cam thảo đất:

Theo Y học cổ truyền, cam thảo đất có vị ngọt, hơi đắng, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt, giảm ngứa, cầm tiêu chảy, chữa cảm sốt, ho. Nó thường được sử dụng để chữa một số bệnh như dị ứng mề đay, rôm sảy, eczema, lở ngứa. cảm mạo, ho hen.

Cam thảo đất có vị ngọt, tính mát còn  có tác dụng bổ tỳ, nhuận phế, thanh nhiệt, giải độc và lợi tiểu.

Amellin trong cây là một chất chống bệnh đái tháo đường, dùng uống làm giảm đường  huyết và các triệu chứng của bệnh đái đường và tăng hồng cầu. Nó cũng ngăn cản sự tiêu hao mô và dẫn đến sự tiêu thụ tốt hơn protein trong chế độ ăn uốn hằng ngày, làm giảm mỡ trong mô mỡ và thúc đẩy quá trình hàn liền vết thương.

Công dụng và chỉ định phối hợp:

Thường dùng để điều trị: Cảm cúm, sốt, nóng nhiều, ho khan, ho có đờm; Lỵ trực tràng;  Tê phù, phù thũng, giảm niệu. Liều dùng 8-12gr dạng khô hoặc 20-40gr dạng tươi, dạng thuốc sắc. Dùng  tươi để chữa ho khan; sao thơm chữa ho đờm và tiêu sưng. Dùng ngoài, ép lấy dịch từ cây tươi để trị mụn nhọt, lở ngứa, eczema.

Nước hãm của lá Cam thảo đất dùng làm thuốc súc miệng và ngậm chữa đau răng. Hoạt chất amellin của cây dùng điều trị bệnh đái đường, thiếu máu, albumin niệu, ceton niệu, viêm võng mạc, những biến chứng kèm theo đái đường và làm các vết thương mau lành.

Có thể dùng cam thảo đất thay Cam thảo để chữa sốt, say sắn, giải độc cho cơ thể.