Thuốc Adrenalin
4.5/5 - (2 bình chọn)

Contents

Thuốc kích thích hệ giao cảm là gì?

Thuốc kích thích hệ giao cảm là những thuốc có tác dụng giống adrenalin và noradrenalin , kích thích hậu hạch giao cảm nên còn gọi là thuốc cường giao cảm. phân loại theo cơ chế tác dụng có thể chia các thuốc này làm hai loại sau:

– Loại 1: loại tác dụng trực tiếp trên các receptor adrenergic phía sau xinap như  adrenalin, noradrenalin, isoproterenol, phenylephrin

– Loại2: loại tác dụng gián tiếp do kích thích các receptor phía trước xinap, làm giải phóng catecholamin nội sinh như tyramin (hiện nay không dùng trong điều trị), ephedrin, amphetamin và phenyl – ethyl- amin. Khi dùng reserpin làm cạn kiệt  dự trữ catecholamin thì tác dụng của các thuốc đó sẽ bị giảm đi. Trong nhóm này, một số thuốc còn có tác dụng kích thích thần kinh trung ương theo cơ chế chưa biết rõ (như ephedrin, amphetamin), reserpin thì không ảnh hưởng đến tác dụng như trên; hoặc ức chế monoamin- oxydase (MAOI), làm vững bền catecholamin.

Thuốc cường  receptor alpha và beta của hệ giao cảm là gì?

Thuốc Adrenalin

Là thuốc độc, bảng A

Là hormon của tủy thượng thận, được lấy ra ở động vật hoặc tổng hợp được. Chất tự nhiên là đồng phân tả tuyền và  có tác dụng mạnh nhất trong số các dẫn chất của nó.

Tác dụng

Adrenalin tác dụng cả trên α và β receptor của hệ giao cảm

– Tác dụng trên tim mạch:

Adrenalin làm tim đập nhanh, mạnh (tác dụng β) nên làm tăng huyết áp tối đa, tăng áp lực đột ngột ở cung động mạch chủ và xoang động mạch cảnh, làm phát sinh các phản xạ giảm áp  qua dây thần kinh Cyon và Hering làm cường trung tâm dây X, vì vậy làm tim đập chậm dần và huyết áp giảm dần. Trên động vật thí nghiệm, nếu cắt dây X hoặc tiêm atropin (hoặc methylatropin) trước để cắt phản xạ này thì adrenalin chỉ làm tim đập nhanh, mạnh và huyết áp tăng rất rõ, rất mạnh có thể nhì thấy trên biểu đồ.

Mặt khác, adrenalin gây co mạch ở một số vùng (mạch da, mạch tạng – receptor α) nhưng lại gây giãn mạch ở một số vùng khác (mạch cơ vân, mạch phổi – receptor β…) do đó huyết áp tối thiểu rất ít thay đổi, thay đổi không đáng kể hoặc có khi giảm nhẹ, huyết áp trung bình không tăng hoặc chỉ tăng nhẹ trong thời gian ngắn. Vì lẽ đó adrenalin không được dùng làm thuốc tăng huyết áp trong lâm sàng.

Tác dụng làm giãn và tăng lưu lượng mạch vành của adrenalin cũng không được dùng trong điều trị co thắt mạch vành vì tác dụng này lại kèm theo làm tăng công năng và chuyển hóa của cơ tim gây ra tác dụng không mong muốn.

Dưới tác dụng của adrenalin, mạch máu ở một số vùng co lại sẽ đẩy máu ra những khu vực ít chịu ảnh hưởng hơn, gây giãn mạch thụ động ở những nơi đó (như mạch não, mạch phổi) do đó dễ gây các biến chứng đứt mạch não, hoặc phù phổi cấp rất nguy hiểm.

– Tác dụng trên phế quản:

Adrenalin ít tác dụng trên người bình thường. Trên người bị co thắt phế quản do hen thì adrenalin làm giãn rất mạnh, kèm theo là co mạch niêm mạc phế quản, làm giảm phù rất tốt tới tình trạng bệnh. Song adrenalin bị mất tác dụng rất nhanh với lần dùng sau, vì vậy không dùng để cắt cơn hen.

– Tác dụng trên chuyển hóa:

Adrenalin làm tăng huỷ glycogen gan, tăng glucose máu, tăng acid béo tự do trong máu,làm  tăng chuyển hóa cơ bản, làm tăng sử dụng oxy củ a mô.

Các cơ chế tác dụng của adrenalin hay catecholamin nói chung là làm tăng tổng hợp adenosin 3′ – 5′- monophosphat (AMP- vòng) từ ATP do hoạt hóa adenylcyclase.

Áp dụng điều trị

– Chống chảy máu bên ngoài (đắp tại chỗ dung dịch adrenalin hydroclorid 1%).

– Tăng thời gian gây tê của thuốc tê vì adrenalin làm co mạch tại chỗ nên làm chậm hấp thu thuốc tê vào cơ thể.

– Khi tim bị ngừng đột ngột, tiêm adrenalin trực tiếp vào tim hoặc truyền máu có adrenalin vào động mạch để hồi tỉnh( cấp cứu lâm sàng).