5/5 - (1 bình chọn)

Contents

I. Nguyên nhân gây bệnh trĩ

Hiện chưa phát hiện nguyên nhân một cách đầy đủ , tuy nhiên người ta đưa ra một số nguyên nhân sau :

– Thuyết cơ học :

  • Những nguyên nhân làm tăng áp lực trong ổ bụng như những bệnh nhân rặn nhiều do táo bón , bí đái dẫn đến trĩ hoặc do ngồi nhiều , đứng nhiều , mang vác nặng
  • Những nguyên nhân làm cản trở tuần hoàn ở vùng chậu hông bé : u trực tràng , u cơ quan sinh dục , phụ nữ có thai

– Nguyên nhân nhiễm khuẩn : do viêm hốc tuyến ở hậu môn trực tràng làm tổn thương thành tĩnh mạch hoặc tĩnh mạch bị nhiễm khuẩn do nhiều lần bị cục phân rắn gây chấn thương mỗi khi đi đại tiện

– Do suy thành tĩnh mạch : do suy bẩm sinh các thành tĩnh mạch vì tổn thương cơ bản của trĩ là hiện tượng giãn tĩnh mạch

II. Phân loại

1. Theo bệnh nguyên và bệnh sinh

– Trĩ triệu chứng : hậu quả của tăng áp lực tĩnh mạch cửa , ung thư trực tràng , phụ nữ có thai…

– Trĩ bệnh còn gọi là trĩ vô căn , trĩ này được chỉ định ngoại khoa

2. Theo giải phẫu bệnh

– Trĩ nội : chân búi trĩ năm trên đường lược , ở trên cơ thắt ngoài và chỉ quan sát được qua nội soi . Mặt ngoài của búi trĩ là niêm mạc ống hậu môn

– Trĩ ngoại : Chân búi trĩ nằm dưới đường răng lược . Mặt ngoài búi trĩ là da của ống hậu môn.

– Trĩ hỗn hợp : chân búi trĩ nằm cả trên và dưới đường răng lược

3. Theo mức độ

Theo quốc tế :

  • Độ I : búi trĩ không ra ngoài cơ thắt ngoài
  • Độ II : búi trĩ ra ngoài cơ thắt mỗi khi đi đại tiện hoặc khi rặn nhưng sau đó có thể đẩy vào được
  • Độ III : búi trĩ lồi ra ngoài liên tục , không tự co hay đẩy lên được

Theo y học cổ truyền Việt Nam chia làm 4 mức độ :

  • Độ I : búi trĩ không ra ngoài ra cơ thắt ngoài
  • Độ II : búi trĩ ra ngoài cơ thắt ngoài mỗi khi rặn hoặc đại tiện nhưng có thể tự co lên được
  • Độ III : búi trĩ ra ngoài cơ thắt ngoài nhưng không tự co lên được phải đẩy mới lên
  • Độ IV: búi trĩ lồi ra ngoài liên tục , không đẩy lên được

III. Triệu chứng lâm sàng

1. Cơ năng

  • Chảy máu mỗi khi đi đại tiện là triệu chứng thường gặp nhất và là lý do đi khám bệnh . Đặc điểm là có máu màu đỏ tươi , ra cuối bãi , có khi chảy máu thành tia , chảy máu kéo dài gây thiếu máu cá biệt có trường hợp chảy máu dữ dội gây mất máu cấp
  • Cảm giác tức nặng vùng hậu môn , mót rặn
  • Búi trĩ sa lồi ra ngoài mỗi khi đi đại tiện , lúc đầu tự co lên được về sau không tự co lên được mà phải dùng tay đẩy lên và cuối cùng là sa ra ngoài liên tục
  • Nếu có biến chứng như viêm tắc , xoắn , nhồi máu , làm bệnh nhân đau dữ dội

– Toàn thân : nhẹ thường không có triệu chứng gì , trường hợp mất máu nhiều có thể có shock

2. Thực thể :

  • Thăm trực tràng thấy búi trĩ mềm , ấn vào thì xẹp , vị trí thường ở các điểm 3 giờ , 7 và 11 giờ ( tư thế nằm ngửa )O
  • Soi hậu môn trực tràng thấy búi trĩ màu tím , chân nằm ở trên hay dưới đường lược
  • Khám toàn thân để phát hiện trĩ triệu chứng : hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa , cao huyết áp , u vùng chậu hông bé , có thai

3. Biến chứng

– Chảy máu : rất hay gặp , vừa là triệu chứng vừa là biến chứng của bệnh , máu có thể chỉ chảy mỗi khi đi đại tiện và tự cầm sau khi đi đại tiên và tự cầm khi đi đại tiện xong và có khi chảy dữ dội dẫn đến thiếu máu cấp

– Huyết khối và viêm tĩnh mạch trĩ : do ứ trệ máu , chấn thương búi trĩ , rối loạn ăn uống hoặc do sự co thắt của cơ thắt

– Vỡ búi trĩ ngoại : gây tụ máu cấp tính ở rìa lỗ hậu môn , bệnh nhân đau dữ dội . Không điều trị sẽ mưng  mủ , vỡ và sau đó để lại một cục da thừa xơ hóa

– Trĩ nghẹt : do trĩ nội sa ra ngoài , và bị bóp chặt bởi cơ thắt không co lên được gây đau đớn , hoại tử búi trĩ , ngoài ra có thể gây tắc mạch mạc treo do huyết khối từ búi trĩ di chuyển lên

IV. Điều trị nội khoa trĩ

  • Ăn uống sinh hoạt điều độ , tránh bia rượu và gia vị kích thích cay nóng
  • Chống táo bón : dùng các thuốc nhuận tràng như Bisacodyl , dầu Parafin , thuốc đông dược
  • Nghỉ ngơi và chế độ lao động hợp lý , tránh ngồi lâu , đứng lâu
  • Vận động liệu pháp : tập thể dục
  • Thuốc : các thuốc chống co thắt , chống viêm , chống táo bón , giảm đau , giảm phù ( uống , tiêm hoặc đặt hậu môn )
  • Chỉ định điều trị ngoại khoa

– Trĩ nội sa ra ngoài kèm theo đau và khó chịu

– Trĩ nội có biến chứng chảy máu nhiều lần gây thiếu máu mà điều trị nội khoa không có hiệu quả

– Trĩ có biến chứng : huyết khối , nghẹt hoặc hoại tử

– Ngứa hậu môn mà điều trị nội khoa không có hiệu quả hoặc trĩ làm yếu cơ thắt hậu môn