Theo y học cổ truyền, thiếu máu là bệnh thuộc phạm vi chứng huyết hư, hư lao...
Rate this post

Theo y học cổ truyền, thiếu máu là bệnh thuộc phạm vi chứng huyết hư, hư lao… Nguyên nhân gây thiếu máu có rất nhiều, ví dụ như các trường hợp cấp tính: chấn thương, băng huyết sau đẻ…; hoặc như các trường hợp mạn tính: suy dinh dưỡng gây thiếu sắt, vitamin B12…, sau mắc các bệnh nặng kéo dài, rối loạn chức năng tạo máu của tủy xương…

Theo y học cổ truyền, thiếu máu là bệnh thuộc phạm vi chứng huyết hư, hư lao…

Những nguyên nhân gây thiếu máu kéo dài sẽ làm ảnh hưởng tới chức năng hoạt động của các tạng tâm, tạng tỳ, tạng thận dẫn tới ảnh hưởng đến khí, huyết, tinh của cơ thể rồi sinh ra bệnh.

  1. Chữa thiếu máu do các nguyên nhân:

  • Triệu chứng chung: hoa mắt chóng mặt, da xanh niêm mạc nhợt, ngủ ít, lưỡi nhạt, mạch hư tế, đới, sác, vô lực. Trường hợp huyết hư dẫn đến khí hư thì có biểu hiện thở ngắn gấp, mệt, nói nhỏ, mạch hư tế, vô lực.
  • Phương pháp chữa: bổ huyết, có khí hư thì bổ khí huyết.
  • Các bài thuốc:

Bài 1: gồm: rau má: 20g, đảng sâm: 20g, ngải cứu: 20g, củ mài: 20g, mạch nha: 20g, cỏ nhọ nồi: 20g, huyết dụ: 20g, hoàng tinh: 20g, gừng: 4g. Sắc uống 1 thang/ngày.

Bài 2: bài “Viên hà thủ ô” gồm: hà thủ ô: 100g, bố chính sâm: 100g, hạt sen: 100g, thảo quả: 12g, đại hồi: 8g, cam thảo: 8g. Tất cả đem tán nhỏ làm thành viên hoàn với mật, ngày uống 20g chia làm 2 lần.

Bài 3: bài “Viên bổ lá sung” gồm: lá sung: 20g, củ mài: 20g, hà thủ ô: 20g, ngải cứu: 20g, ích mẫu: 20g, hạt sen: 12g, táo nhân: 12g, đảng sâm: 12g, thục địa: 12g. Đem sắc uống 1 thang/ngày hoặc làm thành viên hoàn uống 20-40g/ngày.

Bài 4: sử dụng tam thất như sau: một ngày lấy 4g tam thất đem sao khô rồi tán thành bột uống với rượu hoặc hấp cách thủy với gà, phủ tạng động vật.

Bài 5: bài “Tứ vật thang gia giảm” gồm: thục địa: 16g, bạch thược: 12g, đương quy: 12g, cao ban long: 12g, kỷ tử: 12g, xuyên khung: 8g, a giao: 8g. Sắc uống 1 thang/ngày.

Bài 6: bài “Quy tỳ thang gia giảm” gồm: đảng sâm: 16g, bạch truật: 16g, hoàng kỳ: 12g, long nhãn: 12g, thục địa: 12g, bạch thược: 12g, kỷ tử: 12g, đại táo: 12g, viễn chí: 8g, táo nhân: 8g, phục linh: 8g, đương quy: 6g, mộc hương: 6g. Sắc uống 1 thang/ngày.

Bài 7: trong trường hợp huyết hư có kèm theo khí hư thì sử dụng bài “Bát trân thang” hoặc bài “Nhân sâm dưỡng vinh thang”:

-Bài “Bát trân thang” gồm: thục địa: 16g, đảng sâm: 16g, đương quy: 12g, bạch thược: 12g, bạch truật: 12g, xuyên khung: 8g, phục linh: 8g, cam thảo: 6g. Sắc uống 1 thang/ngày.

-Bài “Nhân sâm dưỡng vinh thang” gồm: đảng sâm (thay nhân sâm): 16g, trần bì: 16g, phục linh: 12g, hoàng kỳ: 12g, thục địa: 12g, bạch thược: 12g, đại táo: 12g, đương quy: 10g, viễn chí: 10g, bạch truật: 8g, quế tâm: 6g, cam thảo: 6g, gừng: 2g. Sắc uống 1 thang/ngày.

Ngoài ra có thể phối hợp châm bổ hoặc cứu tại các huyệt cách du, cao hoang, tỳ du, tâm du, túc tam lý, tam âm giao.

(còn tiếp)