Rate this post

Các phần phụ của thai đủ tháng bao gồm: các màng thai, bánh rau, dây rốn và nước ối.

Contents

I.Màng thai:

1.Màng rụng (ngoại sản mạc):

là màng chức năng của nội mạc tử cung ở phụ nữ có thai, còn gọi là ngoại sản mạc. Màng rụng gồm 3 lớp:

  • màng rụng nền: nằm dưới phôi bào, còn gọi là ngoại sản mạc tử cung rau.
  • màng rụng trứng: bao phủ phôi bào, còn gọi là ngoại sản mạc trứng.
  • màng rụng thành tử cung: bao phủ phần còn lại của buồng tử cung, còn gọi là ngoại sản mạc trứng.

Khi thai đủ tháng, màng rụng trứng và màng rụng tử cung teo mỏng, dính sát vào nhau.

2.Màng đệm (trung sản mạc):

Trung sản mạc phát triển không đều, phần bám vào màng rụng nền phát triển mạnh tạo thành các gai rau, phần còn lại trở thành một màng mỏng ít thấm nước.

3.Màng ối (nội sản mạc):

Là màng mỏng lót mặt trong buồng ối, che phủ mặt trong bánh rau và dây rốn. Màng ối dai và dễ thấm nước, có nhiệm vụ sản xuất, tiêu thụ nước ối, ngăn cản vi khuẩn bảo vệ cho thai.

Màng ối nằm trong sát với thai nhi và màng đệm nằm ngoài.

Bề dày của màng rau thai lúc 12 tuần là 0.052 mm; khi đủ tháng là 0.002 mm.

II.Bánh rau:

1.Cấu tạo:

Bánh rau hình tròn, hình thành do sự phát triển của màng rụng nền và màng đệm, đường kính 15cm, nặng 1/6 trọng lượng thai nhi, dày 2.5-3 cm, mỏng hơn ở ngoại vi. Mỗi bánh rau gồm 15-20 múi, giữa các múi là rãnh nhỏ. Bánh rau thường bám ở đáy tử cung. Màng rụng ở vùng bánh rau gồm 3 lớp: lớp đáy, lớp xốp và lớp đặc.

2.Chức năng:

  1. Đảm bảo cho thai sống và phát triển. Sự trao đổi chất thực hiện qua lớp nội bào của gai rau.
  2. Giữ vai trò nội tiết để cơ thể mẹ phù hợp với thai nghén: tiết kích thích tố loại peptid, các steroid rau thai chủ yếu là estrogen và progesterol và các steroid khác.

III. Dây rốn

Là một dây tròn, dài 40 đến 60cm, đường kính 15-20mm, mình trơn, màu trắng. Một đầu dây bám vào bánh rau, đầu kia bám vào da bụng thai nhi. Lớp thượng bì của da bụng quanh chân dây rốn 1cm, chỗ tiếp giáp giữa thượng bì và dây rốn là nơi rốn sẽ rụng.

Từ ngoài vào trong dây rốn là: nội sản mạc, thạch wharton, tĩnh mạch rốn và hai động mạch rốn xoắn quanh tĩnh mạch. Dây rốn không có mạch máu nuôi dưỡng riêng, sự dinh dưỡng thực hiện nhờ quá trình thẩm thấu.

Các bất thường dây rốn có thể gặp: Dây rốn quá dài, quá ngắn; rốn quấn cổ… gây chèn ép tuần hoàn dẫn đến suy thai.

IV. Nước ối

Nước ối thai nhi đủ tháng màu lờ trắng; pH 7,1 đến 7,3; chứa các tế bào thượng bì, lông, chất bã và dịch từ phổi thai nhi. 97% là nước, còn lại là chất khoáng và chất hữu cơ, điện giải chính là ion Natri, kali và clo. Khối lượng 500 đến 1000ml, tăng dẫn tới tuần 38 sau đó giảm dần.

Nguồn gốc nước ối do thai bài tiết, từ máu mẹ và từ nội sản mạc. Nước ối đổi mới 3 giờ một lần, chủ yếu do thai nhi uống nước ối và một phần tái hấp thu qua da, dây rốn và màng ối.

Nước ối có chức năng chính: chống sang chấn cho thai, bình chỉnh ngôi thai, cân bằng nội môi và chống chèn ép của thai nhi vào rau và cuống rốn, đặc biệt trong quá trình chuyển dạ.