Rate this post

Tổn thương cơ bản là những tổn thương phát ra da và niêm mạc ngay từ đầu hoặc phát ra trong quá trình tiến triển của 1 bệnh da liễu, là triệu chứng mà dựa vào đó để chẩn đoán bệnh sinh.

Contents

1.Phân loại tổn thương theo tiến triển

Tổn thương cơ bản nguyên phát

Là tổn thương xuất hiện ngay từ đầu khi mới bị bệnh, mang tính chất đặc trưng của bệnh, dựa vào đó để chẩn đoán xác định bệnh.

Ví dụ: tổn thương bỏng nước trong bệnh chốc, tổn thương mụn nước trong bệnh ghẻ

Tổn thương cơ bản thứ phát

Là tổn thương xuất hiện trong quá trình tiến triển của bệnh, tiến triển từ tổn thương tiên phát.

Dựa vào tổn thương thứ phát khó chẩn đoán được bệnh nhưng giúp ta định hình tổn thương nguyên phát.

Ví dụ: vảy mủ, vảy máu do tổn thương mụn nước, bọng nước…

2.Phân loại tổn thương theo hình thái

Tổn thương bằng phẳng với mặt da

Là tổn thương chỉ làm đổi màu sắc trên da:

-dát đỏ: hình thành do tình trạng viêm nhiễm tại chỗ ở da hoặc giãn mạch xung huyết đơn thuần, các mạch máu dưới da dãn nở, lượng máu tại chỗ nhiều hơn bình thường ánh lên mặt da nên ta thấy đỏ.

Nếu hồng cầu không thoát mạch gọi là dát xung huyết, nếu hông cầu thoát mạch gọi là dát xuất huyết.

Ví dụ: dát đỏ trong phát ban dị ứng…

-dát thâm: hình thành do sự tăng sắc tố melanin tại chỗ ở da, có thể thâm ngay từ đầu hoặc do 1 bệnh da khác.

Ví dụ: dát thâm thứ phát, tàn nhang…

-dát trắng: hình thành do mất sắc tố melanin tại chỗ.

Ví dụ: dát bạch biến…

-dát nhiễm dị vật: hay xuất hiện ở những người tiếp xúc nhiều hoặc lâu dài với hóa chất, dầu mỏ, than đá. dị vật vào qua các lỗ chân lông ngấm sâu vào da.

-dát bẩm sinh (bớt): là tổn thương phát sinh ngay từ khi còn trong bụng mẹ, có nhiều loại màu sắc khác nhau tùy từng người và thay đổi hình dáng, kích thước theo thời gian.

Tổn thương nổi cao trên bề mặt da

-tổn thương nổi cao và lỏng: bao gồm

+mụn nước: tổn thương nhỏ bằng đầu đinh ghim, hạt tấm <3mm, bên trong chứa nước, mụn nước nằm ở thượng bì

+bọng nước: hình bán cầu, kích thước lớn hơn mụn nước, bằng hạt đỗ hay hạt đậu xanh; bọng nước có thể nằm ở lớp gai của thượng bì (khi vỡ không để lại sẹo) hay ở trung bì (vỡ để lại sẹo). Khi vỡ sẽ đóng vảy tiết.

+mụn mủ: hình bán cầu nổi trên cao da, giống 2 loại trên nhưng chứa mủ. Tổn thương có thể ở trung bì hoặc thượng bì.

-tổn thương nổi cao và chắc:

+sẩn phù: hình thành ở nhú bì do dịch huyết thanh thoát vào gian bào làm mặt da nổi phồng từng mảng. Xuất hiện và mất đi nhanh mà không để lại dấu vết trên da.

+sẩn: hình bán cầu, chóp hay chóp cụt, nổi cao trên da, có thể bằng hạt ngô. Xuất hiện do tăng sinh ở thượng bì hay thâm nhiễm tế bào ở nhú bì.

+củ: hình thành do sự tập trung thâm nhiễm tế bào ở lớp sâu của trung bì; trong quá trình tiến triển có hoại tử nên có loét và để lại sẹo.

+cục và gôm: do tăng sinh và thâm nhiễm tế bào ở trung hay hạ bì

+sùi thịt: do quá sản lớp tế bào gai hay nhú bì.

-tổn thương nổi cao và dễ rụng:

+vảy da: do phiến sừng mất liên kết bong ra tạo thành vảy.

+vảy tiết: do chất dịch, huyết thanh khô lại, màu sắc tùy từng loại dịch.

Tổn thương thấp hơn mặt da

-vết trợt: chỉ mất 1 phần lớp thượng bì hoặc 1 phần niêm mạc, rất nông, màu đỏ, rỉ dịch huyết thanh…

-vết loét: mất 1 phần da, niêm mạc sâu đến trung bì, hạ bì hay sâu hơn, có mủ và để lại sẹo

-vết xước: mất 1 phần da thành đường hoặc vệt nhỏ gọn

-vết nứt: xuất hiện do mất tính đan hồi của da

-vết teo da, giãn da: da mất tính đàn hồi, chun giãn, làm tổn thương thấp hơn mặt da

-sẹo: là tổ chức liên kết thay thế lớp sừng đã mất ở vết loét, vết nứt sâu…