Xây dựng khẩu phần ăn hợp lí tại bệnh viện luôn là 1 trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu hiện nay, đặc biệt là với ngoại khoa. Một chế độ dinh dưỡng hợp lí đóng vai trò quan trọng giúp bệnh nhân ngoại khoa có thể vượt qua những cuộc phẫu thuật mất máu và thể dịch.
I.Vai trò của dinh dưỡng ngoại khoa
- Làm tăng tỉ lệ thủ thuật có thể thực hiện và thành công, giúp cơ thể người bệnh chịu được cuộc phẫu thuật dù lớn hay nhỏ.
- Làm giảm khó khăn cho thủ thuật: giảm chướng hơi, tăng khả năng hồi phục…
- Làm tăng sức chịu đựng của bệnh nhân, nhanh chóng phục hồi sau mổ và giảm tỷ lệ tử vong trong ngoại khoa.
II.Dinh dưỡng trước phẫu thuật:
1.Nguyên tắc chung:
Chế độ ăn cần đảm bảo: nhiều protein, nhiều glucid và duy trì trong thời gian nhất định.
- Nhiều protein: đây là yếu tố quan trọng trong khẩu phần ăn trước phẫu thuật. Trong ngoại khoa, cơ thể sẽ mất rất nhiều protein do chảy máu, do viêm hay nhiễm khuẩn…
- Nhiều glucid: vừa giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể vừa có vai trò giúp gan tăng tích lũy glycogen, bảo vệ gan khỏi tổn thương khi sử dụng thuốc mê.
- Duy trì chế độ ăn trong thời gian nhất định: tùy vào tình trạng của từng bệnh nhân mà phải duy trì chế độ ăn trong thời gian dài hay ngắn, thường phải duy trì chế độ dinh dưỡng cao ít nhất 1 tháng đối với bệnh nhân suy kiệt.
2.Một số lưu ý cho bệnh nhân đặc biệt trước phẫu thuật:
- Bệnh nhân đái tháo đường: do bệnh nhân rất hay có biến chứng sau phẫu thuật nên trước đó ta cần xây dựng chế độ dinh dưỡng điều trị nhằm giảm glucose máu, giảm tình trạng toan.
- Bệnh nhân béo phì: cần áp dụng chế độ dinh dưỡng điều trị béo phì trước mổ do nguy cơ khó liền vết mổ và biến chứng khác như tăng huyết áp, đái tháo đường…
- Một số trường hợp đặc biệt phải dựa vào tình trạng bệnh nhân để thay đổi chế độ dinh dưỡng
III.Dinh dưỡng trong thời gian chuẩn bị phẫu thuật:
Thường là 24h trước phẫu thuật, bệnh nhân có thể không cần nhịn ăn tuyệt đối tùy vào loại phẫu thuật. Tuy nhiên cần lưu ý:
- Ngày trước phẫu thuật: nên ăn nhẹ nhàng những thức ăn mềm, ít chất xơ. Bữa chiều ăn ít hơn bữa trưa.
- Sáng ngày phẫu thuật: bệnh nhân phải nhịn ăn, chỉ uống nước đường hoặc nước chín khác.
IV.Dinh dưỡng sau phẫu thuật:
Sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể gặp một số rối lọan dinh dưỡng được gọi là bệnh phẫu thuật. Gồm 3 giai đoạn:
- Giai đoạn 1 (1-2 ngày sau mổ): là giai đoạn cơ thể tăng nhiệt độ, liệt cơ do ảnh hưởng thuốc mê gây liệt ruột, chướng hơi, bệnh nhân mệt mỏi. Bệnh nhân lúc này cần được nuôi dưỡng sớm bằng đường tiêu hóa ngay ngày đầu tiên, thậm chí 8h sau mổ. Đây là quan niệm hoàn toàn mới, có lợi cho người bệnh so với chế độ dinh dưỡng không qua đường tiêu hóa trước đây.
- Giai đoạn 2 (3-5 ngày sau mổ): nhu động ruột trở lại, bệnh nhân có thể trung tiện và tỉnh táo hơn, cảm giác đói rõ nhưng vẫn chán ăn. Như vậy, cần cho bệnh nhân ăn tăng dần, khẩu phần ăn tăng dần năng lượng và protein, giảm dần truyền dịch. Nên cho bệnh nhân ăn thức ăn mềm, ít xơ; thực phẩm giàu vitamin như B, C, PP…
- Giai đoạn 3 (hồi phục): bệnh nhân đại tiểu tiện bình thường, vết mổ đã liền, bệnh nhân thấy đói và ăn ngon miệng hơn nên càn ăn tăng để hồi phục dinh dưỡng nhanh chóng.