Trong y học cổ truyền, bệnh lao phổi là chứng thuộc phạm vi chứng phế lao, đây là bệnh truyền nhiễm đã được đông y tìm ra cách điều trị từ rất lâu.
Nguyên nhân dẫn tới lao phổi là do chính khí hư, tinh huyết bị suy tổn làm bệnh tà (lao trọc) xâm phạm vào phế. Lúc đầu biểu hiện của bệnh thuộc chứng phế âm hư, sau đó gây thận âm hư, đến giai đoạn cuối thì tỳ, phế, thận đều hư (khí âm hư).
1.Phế âm hư:
- Triệu chứng: người thấy mệt mỏi, hay sốt về chiều, hai gò má đỏ, ho khan, hoặc ho có đờm nhưng ít, đờm lẫn máu, miệng và họng khô, đầu lưỡi đỏ, mạch tế sác.
- Phương pháp chữa: dưỡng âm nhuận phế, chỉ khái trừ đàm.
- Các bài thuốc:
Bài 1: gồm: mạch môn: 12g, sinh địa: 12g, huyền sâm: 12g, sa sâm: 12g, thiên môn: 8g, a giao: 8g, bách bộ: 6g.
Bài 2: bài “Nguyệt hoa thang gia giảm” gồm: thiên môn: 12g, sinh địa: 12g, mạch môn: 12g, hoài sơn: 12g, a giao: 12g, phục linh: 12g, bách bộ: 8g, bối mẫu: 8g, ngọc trúc: 8g, bách hợp: 8g. Trong trường hợp có ho ra máu thì thêm tam thất: 4g, bạch cập: 8g. Nếu đờm ra nhiều thì thêm qua lâu nhân: 8g. Xuất hiện triệu chứng đau ngực thì thêm uất kim: 8g.
2. Phế thận âm hư (Âm hư hỏa vượng):
- Triệu chứng: hay sốt về chiều, có cảm giác nhức trong xương, ra mồ hôi trộm, lòng bàn tay và lòng bàn chân nóng, tinh thần dễ cáu gắt, trằn trọc, đau ngực, ngủ ít, sút cân, di tinh hoặc kinh nguyệt không đều, lưỡi khô, họng khô, chất lưỡi đỏ, mạch tế sác.
- Phương pháp chữa: tư âm giáng hỏa, nhuận phế chỉ khái.
- Các bài thuốc:
Bài 1: gồm: sinh địa: 12g, sa sâm: 12g, mạch môn: 12g, hạ khô thảo: 16g, huyền sâm: 8g, địa cốt bì: 8g, bách bộ chế: 8g, xạ can: 6g.
Bài 2: bài “Bách hợp cố kim thang gia giảm” gồm: sinh địa: 16g, hạ khô thảo: 16g, sa sâm: 12g, mạch môn: 12g, bách hợp: 12g, bách bộ: 12g, huyền sâm: 12g, hoàng cầm: 12g, bạch cập: 8g. Trong trường hợp xuất hiện cảm giác nhức xương thì thêm địa cốt bì: 12g, miết giáp : 20g; nếu ra mồ hôi thì thêm long cốt: 16g, mẫu lệ: 16g; trường hợp ngủ ít thì thêm táo nhân: 12g, bá tử nhân: 12g.
3. Khí âm đều hư (tỳ, thận, phế hư):
- Triệu chứng: thở gấp, ho, ho có đờm, đờm loãng có khi dính máu, cảm giác nhức trong xương, hay sốt về chiều, tự ra mồ hôi, ra mồ hôi trộm, ăn ít, phân nhão, sắc mặt trắng bệch hoặc hơi phù, chất lưỡi khô, mạch tế sác vô lực.
- Phương pháp chữa: ích khí dưỡng âm.
- Các bài thuốc:
Bài 1: gồm: đảng sâm: 16g, hoài sơn: 16g, bạch truật: 16g, ý dĩ: 12g, mạch môn: 12g, thiên môn: 12g, quy bản: 12g, a giao: 8g.
Bài 2: bài “Tứ quân tử thang gia giảm” gồm: đảng sâm: 16g, bạch truật: 12g, cỏ nhọ nồi: 12g, tử uyển: 12g, phục linh: 8g, bách hợp: 8g, ngũ vị tử: 6g, cam thảo: 6g, bối mẫu: 6g.
Bài 3: bài “Bổ phế thang gia giảm” gồm: đảng sâm: 16g, bạch truật: 12g, hoài sơn: 12g, mạch môn: 12g, ngọc trúc: 12g, bách bộ chế: 12g, ngũ vị tử: 6g. Trong trường hợp ho nhiều thì thêm hạnh nhân: 12g, bối mẫu: 8g. Hoặc ho ra máu thì thêm ngó sen: 12g. Nếu có sốt thì thêm sơn chi: 12g, đan bì: 12g; cảm thấy nhức trong xương kèm theo sốt nhẹ thì thêm địa cốt bì; ra mồ hôi trộm thì thêm long cốt: 12g, mẫu lệ: 16g.
Ngoài ra có thể phối hợp thủy châm bằng thuốc philatop vào huyệt phế du, hoặc châm bổ vào các huyệt: chiên trung, phế du, túc tam lí, thái uyên. TRong trường hợp sốt về chiều thì thêm huyệt nội quan; ra mồ hôi trộm thì châm huyệt âm khích; trường hợp mất ngủ thì thêm huyệt tam âm giao, thần môn. Ho ra máu thì thêm huyệt cách du, cao phong.