- Thành phần của bài thuốc:
Theo Y Dược học cổ truyền thì bài thuốc quế chi thang bao gồm các vị thuốc sau:
Quế chi 12g
Bạch thược 12g
Chích Cam thảo 6g
Sinh khương 12g
Đại táo 4 quả
- Công năng : Giải cơ phát biểu,phát tán phong hàn, hoà vinh vệ
- Cách dùng của bài thuốc : dùng sắc uống ngày 1 thang sắc làm 2 lần , uống xong ăn cháo nóng, về mùa đông chùm chăn cho ra mồ hôi vừa phải
Ứng dụng lâm sàng của bài thuốc:
Bài thuốc này ngoài việc dùng chữa biểu chứng ngoại cảm phong hàn, biểu hư, ngoài ra còn có thể dùng trong những trường hợp sau:
+ Nếu bệnh nhân ho xuyễn gia thêm: hậu phác , hạnh nhân để bình xuyễn chỉ khái gọi là bài “ Quế chi gia Hậu phác, hạnh nhân thang”.
+ Những trường hợp sau khi mắc bệnh, sau khi sinh mà có hơi hàn, có lúc hơi nhiệt, mạch hoãn ra mồ hôi có thể dùng bài quế chi thang để chữa.
+ Trường hợp phụ nữ có thai nôn nghén nặng , khí huyết không điều hoà có thể dùng điều trị có kết quả tốt.
+ Trường hợp cảm phong hàn thấp gây đau nhức mình mẩy gia thêm vị uy linh, tục đoạn, phòng phong, khương hoạt, ngũ gia bì, có tác dụng tăng cường trừ phong thấp giảm đau.
+ Trường hợp đã dùng quế chi thang có thêm chứng cứng gáy , đau lưng gia cùng với: cát căn gọi là bài quế chi gia cát căn thang ( thương hàn luận)
+ Trường hợp di tinh chóng mặt, đạo hãn, tự hãn, gia thêm: long cốt , mẫu lệ điều hoà âm dương vừa cố sáp. Gọi là bài Quế chi mẫu lệ long cốt thang
Cần chú ý: không dùng trong các trường hợp sau: ngoại cảm phong hàn biểu thực.
* Trường hợp bệnh truyền nhiễm thời kì đầu có sốt rét, ra mồ hôi, khát nước, lưỡi đỏ rêu vàng mạch sác không dùng
* Tài liệu có thể tham khảo: Theo một số báo cáo lâm sàng thì bài thuốc quế chi thang gia giảm như sau : Cát căn 20-40g ; Mộc hương 6g ; Bạch thược 12g; Phòng phong 12g; Sài hồ 6g; Cam thảo 4g; Táo 6 quả;
Sắc uống chữa chứng cứng gáy rất tốt ( torticoli) theo tài liệu vị thuốc cát căn có tác dụng tăng cường giãn mạch tang cường sự lưu thông máu , chống co thắt , làm giảm đau.
Có thể tham khảo thêm:
Bài thuốc có tác dụng: Làm huyết lưu thông, làm ấm thân thể và tăng cường chức năng của các cơ quan trong cơ thể. Khi dùng thuốc này để chữa các bệnh mà có sốt, chẳng hạn như cảm mạo, thì mục tiêu của nó là trị ớn lạnh, sợ gió, phát sốt, đau đầu và mạch phù nhược. Trong trường hợp này, bài thuốc có thể dùng cả khi có đổ mồ hôi lẫn không đổ mồ hôi.
Bài thuốc này dùng để trị tạp bệnh nói chung, không có nhiệt bởi vì tuy không có ớn lạnh, sợ gió, nhưng mạch nhược.
Bài thuốc quế chi thang cũng còn được dùng trong các trường hợp cảm mạo, đau thần kinh, đau đầu, đau bụng lạnh, thể chất gầy yếu suy nhược, bị nôn do nghén, v. v..
Quế chi thang là bài thuốc đầu tiên của sách Thương hàn luận, nó chính là cơ sở của nhiều bài thuốc khác. Trong sách Thương hàn luận có tới 60 bài thuốc khác nhau có thành phần Quế chi, trong đó có tới 30 bài thuốc Quế chi là thành phần chủ đạo. Lương y Isada Muhetaka đã cho rằng bài thuốc này là ông tổ của các bài thuốc khác, trong các bài thuốc cổ có tới hàng trăm bài thuốc bắt nguồn từ bài thuốc này. Quế chi thang được ứng dụng trong chữa các bệnh cảm mạo, đau thần kinh, đau đầu, đi tả, đau bụng do lạnh, v.v…
Trường hợp dùng Quế chi thang là những bệnh biểu hiên biểu hư đó là bệnh tà ở biểu, người lại gầy yếu, gân cốt yếu. Do đó, người dễ đổ mồ hôi và phần nhiều là những người thường ngày có cơ thể bị hư nhược. Những người như vậy nếu uống thuốc giải nhiệt làm cho đổ mồ hôi thì mồ hôi lại ra không dứt, nhiệt độ cơ thể có giảm xuống nhưng cơ thể mệt mỏi rã rời. Biểu hiện ở những người dùng bài quế chi thang này không dứt khoát là cứ phải đổ mồ hôi mà đôi khi không có mồ hôi. Sách Thương hàn luận cho rằng những lúc như vậy nên uống thang thuốc khi thuốc còn nóng, lấy chăn đắp cho ra chút ít mồ hôi. Như vậy, quế chi thang có tác dụng cầm mồ hôi ở những người đổ mồ hôi nhiều và kích thích ra mồ hôi ở những người không ra mồ hôi để hạ nhiệt và làm lành bệnh. Sách Thương hàn luận gọi tác dụng này là ” giải cơ”
Những chú ý khi dùng thuốc:
* Khi dùng cần phải chọn lựa loại thuốc tốt bài thuốc mới có hiệu quả
*Bạch thược tương phản với vị lê lô nếu dùng chung sẽ phát sinh chất độc nguy hiểm, chính vì vậy không được dùng chung với lê lô
*Cam thảo tương phản với vị hải tảo, hồng đại kích, cam toại và nguyên hoa, gặp nhau sẽ sinh phản ứng nguy hiểm, trừ trường hợp đặc biệt phải xem xét thật kỹ mới dùng
* Vị thuốc Quế chi có tính nóng kỵ thai, kỵ xích thạch chi khi dùng phải cẩn thận