Biến chứng trong trường hợp truyền lượng máu lớn
- Gây quá tải cho hệ tim mạch: biến chứng này xảy ra đặc biệt ở những bệnh nhân tim và thiếu máu mạn tính, và biểu hiện bởi nhịp tim nhanh, giảm huyết áp, thở nhanh và nông, có thể tiến triển tới phù phổi cấp. Ở những bệnh nhân này, truyền máu toàn phần là chống chỉ định và phải thay thế bằng truyền chậm dung dịch hồng cầu đậm đặc đã loại bỏ huyết tương. Điều trị: furosemid, lấy bớt máu ra từ tĩnh mạch.
- Hội chứng xuất huyết: xảy ra sau khi truyền một lượng máu dự trữ lớn, khi máu này không có đủ tiểu cầu còn nguyên vẹn; biến chứng này biểu hiện bởi chảy máu vi mạch, khi có vết thương hoặc vết mổ thì chảy máu ở đó sẽ kéo dài. Điều trị: truyền dung dịch tiểu cầu đậm đặc.
- Ngưng kết vi thể . Khi máu được lưu trữ quá lâu, thì những đám ngưng kết (hoặc ngưng tập) vi thể tạo nên bởi tiểu cầu, bạch cầu, và sợi huyết (fibrin) có thể hình thành và được phát hiện thấy ở phổi của người nhận, sau khi người này được truyền một lượng máu lớn. Người ta cho rằng trước khi truyền một lượng máu lớn đã được lưu trữ trên 5-6 ngày, thì nên lọc để loại những đám ngưng kết vi thể này ra khỏi máu đó.
- Giảm calci huyết: là do sự tạo phức calci bởi citrat khi truyền một lượng máu lớn hơn 2 lít trong vòng 20-30 phút. Biến chứng này biểu hiện bởi cơn co giật, và những rối loạn về tính chịu kích thích của cơ tim. Điều trị: cho gluconat calci.
- Nhiễm độc bởi citrat: xảy ra trong trường hợp người nhận bị suy gan.
- Tăng kali huyết: hay xảy ra trong trường hợp người nhận bị suy thận. Với những bệnh nhân này thì nên sử dụng dung dịch hồng cầu đậm đặc là tốt hơn.
- Đông máu nội mạch rải rác.
Những biến chứng khác
- Nghẽn mạch do bọt khí: là do để lọt không khí vào trong hệ thống truyền máu, biểu hiện bởi suy tim cấp (khi không khí lọt vào các buồng tim thì làm cho chức năng bơm hút của tim trở nên vô hiệu). Điều trị: đặt bệnh nhân nằm nghiêng sang bên trái, đầu thấp để cho không khí dễ thoát ra khỏi tâm nhĩ phải.
- Truyền máu giữ trong lạnh: khi máu dự trữ trong lạnh đi vào tim quá nhanh, có thể gây ra loạn nhịp và thậm chí ngừng tim. Nguy cơ này có thể tránh được bằng cách sử dụng một thiết bị hâm nóng máu vừa phải tối nhiệt độ không quá 37°c. Không được hâm nóng trực tiếp các túi máu. Trong trường hợp giảm thân nhiệt thì sưởi ấm cho bệnh nhân.