Theo y học cổ truyền, chứng suy nhược cơ thể còn được gọi là chứng hư lao
Rate this post

Theo y học cổ truyền, chứng suy nhược cơ thể còn được gọi là chứng hư lao. Đây là chứng bệnh thường gặp ở người sức khỏe suy yếu do kém dinh dưỡng, bẩm sinh, mắc bệnh mạn tính hoặc đang giai đoạn hồi phục sau mắc bệnh cấp tính nặng.

Theo y học cổ truyền, chứng suy nhược cơ thể còn được gọi là chứng hư lao
  1. Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:

  • Bẩm sinh: do mẹ không bổ sung đủ dinh dưỡng khi đang mang thai, mắc các bệnh cấp tính, ngộ độc thuốc… gây ảnh hưởng tới các tạng của thai nhi. Sau khi sinh trẻ không được nuôi dưỡng đầy đủ làm ảnh hưởng tới điều hòa tinh, khí, huyết của các tạng phủ, đặc biệt tạng thận gây chứng chậm phát dục…
  • Ăn uống không đầy đủ hoặc ăn nhiều chất bổ béo, cay, ngọt… gây ảnh hưởng đến công năng của tỳ vị. Chức năng vận hóa thủy cốc của tỳ vị bị rối loạn gây khí huyết tân dịch giảm sút dẫn đến rối loạn công năng các tạng phủ khác.
  • Quan hệ quá độ hoặc lao động quá sức làm tinh, khí, thần bị giảm gây suy kém các hoạt động của tạng tâm, tỳ, phế, thận…
  • Sau mắc bệnh cấp tính nặng hoặc mắc bệnh mạn tính, âm dương, khí, huyết, tân dịch bị ảnh hưởng dẫn đến rối loạn hoạt động các tạng phủ.

Các nguyên nhân dẫn đến chứng suy nhược cơ thể để làm giảm sút tinh, khí, huyết, tân dịch dẫn tới mất điều hòa công năng của lục phủ ngũ tạng.

2. Các bài thuốc chữa suy nhược cơ thể do khí hư:

Chủ yếu ở hai tạng là tạng phế và tạng tỳ.

a. Phế khí hư: thường gặp ở người suy hô hấp do viêm phế quản mạn, giãn phế quản phế nang, tâm phế mạn…

  • Triệu chứng: thở ngắn và gấp, ho không có sức, nói nhỏ, mệt mỏi vô lực, tự ra mồ hôi, sắc mặt trắng bệch, chất lưỡi nhạt, mạch hư nhược.
  • Phương pháp chữa: bổ phế khí.
  • Các bài thuốc:

Bài 1: gồm: bồ chính sâm: 12g, tua sen: 12g, kỷ tử: 8g, hương phụ: 10g, lá vông: 10g, liên nhục: 20g, táo nhân: 12g, sa sâm: 12g.

Bài 2: bài “Bổ phế thang” gồm: đảng sâm: 10g, ngũ vị tử: 10g, hoàng kì: 10g, tử uyển: 12g, thục địa: 12g, tang bạch bì: 12g.

Bài 3: bài “Bảo nguyên thang gia giảm” gồm: đảng sâm: 16g, cam thảo: 6g, hoàng kỳ: 12g, nhục quế: 6g. Khi ra mồ hôi nhiều thì thêm mẫu lệ, tiểu mạch. Khi ho thì thêm tử uyển, tang bạch bì.

Bài 4: Nếu ra nhiều mồ hôi dùng bài “Bảo nguyên thang” hoặc “Bổ phế thang” phối hợp với “Mẫu lệ tán” gồm: mẫu lệ: 16g, rễ ma hoàng: 8g, hoàng kỳ: 12g, phù tiểu mạch: 8g.

Ngoài ra còn có thể phối hợp với cứu tại huyệt: phế du, cao hoang, túc tam lý, chiên trung từ 15 đến 30 phút/ngày.

b. Tỳ khí hư: gặp ở người mệt mỏi sau lao động, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy mạn do viêm đại tràng mạn tính, đau dạ dày,sau ốm nặng…

  • Triệu chứng: ăn kém, chán ăn, đầy bụng, chậm tiêu, ỉa lỏng, mệt mỏi, sút cân, cơ mềm nhẽo, chất lưỡi nhạt bệu, rêu lưỡi trắng, mạch hư.
  • Phương pháp chữa: Kiện tỳ ích khí.
  • Các bài thuốc:

Bài 1: gồm: bố chính sâm: 180g, hoài sơn: 80g, bạch truật nam: 40g, hạt sen: 80g, binh lang: 8g. Tất cả đem tán thành bột mịn, uống 20g/ngày với nước đường.

Bài 2: bài “Tứ quân tử thang” gồm: bạch truật: 12g, phục linh: 8g, đảng sâm: 16g, cam thảo: 4g.

Bài 3: bài “Sâm linh bạch truật tán” gồm: đảng sâm: 16g, ý dĩ: 12g, bạch truật: 12g, trần bì: 6g, phục linh: 8g, cát cánh: 8g, cam thảo: 4g, liên nhục: 12g, hoài sơn: 12g, sa nhân: 6g, biển đậu: 12g. Tất cả đem tán bột, uống 20g/ngày.

Bài 4: bài “Bổ trung ích khí thang” gồm: đảng sâm: 16g, cam thảo: 6g, bạch truật: 12g, trần bì: 6g, hoàng kỳ: 12g, sài hồ: 12g, đương quy: 12g, thăng ma: 12g. Tất cả đem tán bột uống 20g/ngày hoặc sắc uống 1 thang/ngày.

Bài 5: bài “Hương sa lục quân tử thang” giống bài “tứ quân tử thang” thêm: trần bì: 6g, mộc hương: 6g, bán hạ chế: 8g, sa nhân: 6g. Tất cả đem tán bột uống 20g/ngày hoặc sắc uống 1 thang/ngày.

Ngoài ra có thể phối hợp với cứu tại các huyệt: túc tam lý, thái bạch, tỳ du, quan nguyên, tam âm giao.

c. Tỳ phế đều hư: gặp ở người mắc bệnh mạn tính ở phổi, đường tiêu hóa.

  • Triệu chứng: ho dài ngày, ho có đờm, đờm loãng và nhiều, bụng chướng, ỉa lỏng, chất lưỡi nhạt bệu, rêu lưỡi trắng, mạch hư tế.
  • Phương pháp chữa: kiện tỳ bổ phế.
  • Các bài thuốc:

Bài 1: bài “Sâm linh bạch truật tán” đã nêu ở trên.

Bài 2: bài “Thự dự hoàn” gồm: hoài sơn: 12g, can khương: 4g, phục linh: 10g, biển đậu: 8g, bạch truật: 12g, quế chi: 4g, cam thảo: 6g, phòng phong: 8g, đảng sâm: 16g, bạch chỉ: 10g, địa hoàng: 10g, mạch môn: 10g, bạch thược: 10g, sài hồ: 10g, đương quy: 10g, cát cánh: 8g, thần khúc: 10g, đại táo: 12g. Tất cả đem tán nhỏ uống 20g/ngày.