Thuốc được dùng để phòng và điều trị bệnh, nhưng thuốc cũng là một tác nhân gây dị ứng khó lường và được gọi là dị ứng thuốc.
Hầu như tất cả các loại thuốc đều có thể gây dị ứng, tùy thuộc vào cơ địa mẫn cảm của người sử dụng mà phản ứng dị ứng khác nhau…
Các phản ứng xảy ra do dị ứng thuốc có thể xuất hiện ngay sau khi dùng thuốc hoặc khi dùng thuốc đã lâu ngày và thậm chí là sau khi ngưng dùng thuốc mới bị dị ứng. Các phản ứng này có thể xảy ra từ mức độ từ nhẹ đến nặng, trường hợp nghiêm trọng như sốc phản vệ có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu cứu chữa kịp thời.
Các yếu tố nguy cơ gây dị ứng thuốc
Do bản chất hóa học của thuốc đó:là tính kháng nguyên không đồng đều giữa các loại thuốc với nhau, do bản chất cấu trúc hóa học, trọng lượng phân tử của thuốc, sự chuyển hóa của thuốc trong cơ thể, sự hình thành các sản phẩm trung gian và sự liên hợp của những sản phẩm này với thành phần protein của cơ thể.
Cơ địa của bệnh nhân sử dụng thuốc: Các yếu tố di truyền, tính đáp ứng miễn dịch của người bệnh có vai trò rất quan trọng trong quá trình xuất hiện các triệu chứng của dị ứng thuốc. Vì vậy, khi dùng một thuốc để điều trị có người bị dị ứng, có người không bị dị ứng và mức độ xuất hiện dị ứng giữa các cá thể cũng khác nhau (có người chỉ bị dị ứng nhẹ, có người bị nặng hay rất nặng).Và cũng tùy thể trạng, có người dùng thuốc trong thời gian dài không sao nhưng đến thời điểm nào đó bỗng dưng lại bị dị ứng thuốc hay bị dị ứng bật lại.
Dị ứng thuốc còn phụ thuộc vào cách bệnh nhân sử dụng thuốc: dùng nhiều lần, dùng không đủ liều, dùng kéo dài, dùng kết hợp nhiều thuốc một lần và đặc biệt việc tự ý dùng thuốc của người dân hiện nay rất phổ biến… sẽ tạo và làm gia tăng nguy cơ dị ứng thuốc.
Ngoài ra dị ứng thuốc còn phụ thuộc vào đường sử dụng thuốc, lứa tuổi, giới tính, dân tộc… Tình trạng nhiễm khuẩn thường làm tăng khả năng khả năng dị ứng của thuốc…
Một vài biểu hiện của dị ứng thuốc
Mày đay
Đây là một biểu hiện thường gặp nhất của dị ứng thuốc với các biểu hiện nóng bừng, râm ran trên da như côn trùng đốt, ngứa ( cảm giác khó chịu nhất, xuất hiện sớm, thường làm người bệnh mất ngủ và khó chịu) và xuất hiện những sẩn phù màu hồng nhạt đường kính vài mm đến vài cm, thường là hình tròn, xuất hiện nhiều nơi, có khi tụ thành từng đám, tại những nơi có tổ chức dưới da chắc hơn như lòng bàn tay, bàn chân, đầu… Kèm theo sẩn phù ở da đôi khi có xảy ra khó thở, đau bụng, đau khớp, chóng mặt, buồn nôn, mót rặn hay sốt cao…
Các biểu hiện trên có thể xuất hiện rất nhanh (sau vài phút) hoặc chậm (sau vài ngày) từ khi dùng thuốc. Các loại thuốc đều có thể gây tình trạng mày đay, hay gặp hơn cả là kháng sinh, thuốc chống viêm không steroid( NSAIDs), vaccin, huyết thanh, vitamin ….
Mày đay thường tái phát trong thời gian ngắn, ban vừa mất đi lại có thể xuất hiện trở lại.Nếu tái phát hàng ngày trong thời gian một tháng trở lên thì là bệnh cảnh của mày đay mãn tính.
Viêm da dị ứng do tiếp xúc
Khi bị phản ứng này, người bệnh có biểu hiện là các mụn nước, kèm theo ngứa và tiến triển theo nhiều giai đoạn khác nhau. Thời gian mẫn cảm ít nhất là 5 ngày giữa lần tiếp xúc đầu tiên và lần tiếp xúc thứ hai với dị nguyên. Vùng tổn thương chính là chỗ tiếp xúc với biểu hiện ngứa, đỏ da, sưng nề…
Có rất nhiều loại thuốc khác nhau gây viêm da dị ứng do tiếp xúc như các thuốc dùng ngoài da: Các loại mỡ sulfamid, neomycin, các thuốc sát khuẩn, penicilin, ampicilin, … Dùng đường uống, tiêm cũng đều có thể gây viêm da dị ứng do tiếp xúc. Việc ngừng tiếp xúc với các thuốc gây viêm da dị ứng tiếp xúc này có thể dẫn đến sự giảm bớt triệu chứng bệnh sau 2 – 3 ngày.