Rate this post

Viêm phổi trẻ em là bệnh thường gặp và là một trong những nguyên nhân gây tử vong ở trẻ nhỏ , đặc biệt là trẻ sơ sinh , trẻ bị suy dinh dưỡng

I. Nguyên nhân

– Virus : 60-70% tùy theo mùa và vụ dịch chủ yếu là virus hợp bào hô hấp , virus cúm , á cúm , Adenovirus

– Vi khuẩn : thường gặp là phế cầu , Hemophilus Influenzae , sau đó là các loại vi khuẩn khác như tụ cầu , liên cầu , E.coli , …

– Kí sinh trùng : nấm Candida , Aspergillus

– Yếu tố nguy cơ:

  • Tuổi : trẻ dưới 1 tuổi đặc biệt là trẻ sơ sinh , sức đề kháng của cơ thể kém , trẻ thiếu cân , còi xương , suy dinh dưỡng , suy giảm miễn dịch
  • Trẻ bị mắc các bệnh nhiễm trùng mạn tính như : viêm mũi họng , VA , hen phế quản , sởi , ho gà , cúm , thủy đậu
  • Do cơ địa thể trạng : cơ địa dị ứng , thể trạng tiết dịch , các dị tật bẩm sinh như tim bẩm sinh , dị dạng đường hô hấp , các bệnh bẩm sinh khác
  • Thời tiết lạnh ẩm tạo điều kiện cho vi khuẩn và virus phát triển
  • Vệ sinh môi trường kém : môi trường ô nhiễm bởi khói , bụi nhà ở chật chội , ẩm thấp

II. Triệu chứng

1. Lâm sàng

– Giai đoạn khởi phát :hội chứng viêm long đường hô hấp : trẻ sốt nhẹ , nhiệt độ tăng dần có thể sốt cao ngay từ đầu , trẻ mệt mỏi quấy khóc , khó chịu kém ăn kèm theo có hội chứng viêm long đường hô hấp trên : ngạt mũi chảy nước mũi , ho , hắt hơi có thể có triệu chứng rối loạn tiêu hóa nôn , tiêu chảy

– Giai đoạn toàn phát :

  • Hội chứng nhiễm trùng rõ rệt : trẻ mệt mỏi , quấy khóc , sốt cao dao động 38-40º , vẻ mặt hốc hác , môi khô se , đặc biệt ở trẻ đẻ non hoặc SDD có thể không có sốt mà hạ thân nhiệt , li bì , ngủ nhiều , da xanh , trướng bụng , nôn ,tiêu chảy
  • Các triệu chứng hô hấp : ho khan hoặc xuất tiết nhiều đờm dãi , đây là triệu chứng sớm và mất đi sau cùng sau vài tuần sau điều trị
  • Khó thở : thường gặp , khó thở nhanh , nông , cả hai thì kèm theo có gắng sức cơ hô hấp như cánh mũi phập phồng , đầu gật gù theo nhịp thở , co kéo cơ liên sườn , hõm ức , rãnh thượng đòn . Trường hợp nặng có rối loạn nhịp thở , có cơn ngừng thở ngắn trên 30 giây . Quy định thở nhanh theo tuổi như sau :

+ Trẻ dưới 2 tháng tuổi thở từ 60 lần/phút trở lên

+ Trẻ từ 2-12 tháng thở từ 50 lần/phút trở lên

+ Trẻ từ 12 tháng – 5 tuổi thở từ 40 lần/phút trở lên

  • Rút lõm lồng ngực : đây là dấu hiệu nặng , với trẻ dưới 2 tháng tuổi phải rõ và liên tục mới có giá trị
  • Cùng với khó thở có thể có tím ở gốc lưỡi , ở viền môi , quanh rãnh mũi má , đầu chi , nặng có thể toàn thân . Lúc này trẻ bị SHH .Tùy theo mức độ tổn thương có mức độ SHH khác nhau :

+ Độ I : Khó thở và tím xuất hiện sau gắng sức ( bú , khóc , ho )

+ Độ II : khó thở và tím xuất hiện liên tục nhưng chưa có rối loạn nhịp thở

+ Độ III : khó thở và tím liên tục kèm theo có rối loạn nhịp thở

– Triệu chứng thực thể phổi :

  • chủ yếu là nghe có ran ẩm to , nhỏ hạt một bên hoặc hai bên , tùy theo mức độ tổn thương mà rải rác hoặc nhiều hai bên trường phổi , kèm theo ran rít , ran ngáy

– Ngoài ra có các triệu chứng như ăn kém ,buồn nôn ,tiêu chảy , bụng trướng , gan to  , nặng nhất là suy tim do tổn thương phổi gây ứ máu phổi làm tăng gánh thất trái , SHH gây thiếu oxy tổ chức cả cơ tim , ứ đọng CO2 gây nhiễm toan chuyển hóa , nhiễm độc nặng gây hội chứng giả màng não

2. Cận lâm sàng

– X-Quang thấy các chấm nốt mờ rải rác , ranh giới không rõ chủ yếu tập trung ở rốn phổi , một số trường hợp tập trung tại một phân thùy hay một thùy phổi . Hiện tượng xẹp phổi và tràn dịch màng phổi có nhưng ít gặp

– Xét nghiệm máu : số lượng bạch cầu tăng , tỷ lệ bạch cầu đa nhân trung tính tăng

– Trường hợp nặng cần đo khí máu , pH máu , dự trữ kiềm

– Xét nghiệm vi khuẩn , virus : lấy bệnh phẩm ở dịch hầu họng , máu , dịch dạ dày , soi hoặc nuôi cấy tìm vi khuẩn , virus

III. Phòng bệnh

– Giảm tỷ lệ đẻ non , đẻ thấp cân , đẻ cần can thiệp vì có nguy cơ nhiễm khuẩn vì vậy phải quản lý thai nghén tốt

– Thực hiện vô trùng khi đỡ đẻ và khi chăm sóc sơ sinh

– Vệ sinh môi trường sạch sẽ nhất là nơi ở và sinh hoạt

– Bảo đảm cho trẻ bú mẹ và ăn sam đúng

– Phát hiện và xử trí kịp thời các trường hợp nhiễm khuẩn hô hấp cấp và mạn tính , cách ly với nguồn lây

– Phòng các biến chứng : theo dõi sát nhịp thở , mạch nhiệt độ , huyết áp , để phát hiện và xử trí kịp thời các trường hợp suy hô hấp , mất nước , nhiễm toan hay suy tim

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here