loét dạ dày
Rate this post

Các thuốc điều trị viêm loét dạ dày-tá tràng khác

loét dạ dày

Contents

Các muối bismuth:

Dùng dưới dạng keo subcitrat (trikalium dicitrato), subsalicylat

Các muối bismuth có tác dụng sau:

– Bảo vệ tế bào niêm mạc dạ dày do làm tăng tiết dịch nhày và bicarbonat, ức chế hoạt tính của pepsin lên thành dạ dày.

– Bao phủ chọn lọc lên đáy ổ loét, tạo chelat với các protein, làm thành hàng rào bảo vệ ổ loét chống lại sự tấn công của acid và pepsin.

– Diệt vi khuẩn Helicobacter pylori.

Khi dùng riêng, các muối bismuth chỉ diệt được H.pylori ở khoảng 20% người bệnh, nhưng khi phối hợp với kháng sinh và thuốc ức chế bơm proton, có thể tới 95% người bệnh được diệt trừ được H.pylori. Vì thế muối bismuth được coi là thành phần quan trọng trong công thức phối hợp thuốc.

Bismuth ở dạng keo ít hấp thu qua đường uống (chỉ khoảng 1%) nên ít gây độc với liều thông thường. Nếu dùng liều cao hoặc dùng kéo dài có thể gây ra bệnh não.

Chống chỉ định: quá mẫn với thuốc, bệnh nhân suy thận nặng, phụ nữ có thai.

Tác dụng không mong muốn: buồn nôn, nôn, bị đen miệng, đen lưỡi, đen phân (thận trọng ở người có tiền sử chảy máu đường tiêu hóa, vì dễ nhầm với đại tiện phân đen).

Chế phẩm:thuốc Bismuth subcitrat viên nén 120 mg

Uống mỗi lần 1 viên, ngày 4 lần vào 30 phút trước các bữa ăn và 2 giờ sau bữa ăn tối, hoặc mỗi lần uống 2 viên, ngày 2 lần và uống 30 phút trước bữa ăn sáng và tối. Điều trị trong 4- 8 tuần.

Không dùng để điều trị duy trì, nhưng có thể dùng điều trị nhắc lại sau 1 tháng.
* Chế phẩm phối hợp ranitidin và muối bismuth: thuốc ranitidin  bismuth citrat

Ở dạ dày ranitidin -bismuth citrat được phân ly thành ranitidin và bismuth, do đó có cả hai tác dụng của cả hợp chất bismuth và ranitidin.

Uống mỗi lần 400 mg, ngày 2 lần trong vòng 4 – 8 tuần nếu loét tá tràng hoặc 8 tuần nếu loét dạ dày lành tính. Không dùng để điều trị duy trì.

Sucralfat:

Sucralfat là một phức hợp của nhôm hydroxyd và sulfat sucrose. Giống như bismuth, sucralfat ít hấp thu, chủ yếu sử dụng tác dụng tại chỗ của nó.

Thuốc gắn với protein xuất tiết tại ổ loét và bao phủ vết loét, bảo vệ ổ loét khỏi bị tấn công bởi acid dịch vị, pepsin và acid mật. Ngoài ra , sucralfat còn kích thích sản xuất prostaglandin (PG E2, I1,) tại chỗ, nâng pH dịch vị, hấp phụ các muối mật.

Thận trọng khi dùng ở người suy thận (tránh dùng khi bệnh nhân bị suy thận nặng) do nguy cơ tăng nồng độ nhôm trong máu, phụ nữ có thai và cho con bú.

Thuốc ít gây tác dụng không mong muốn, chủ yếu là các rối loạn tiêu hóa.

Uống mỗi ngày 4,0g, chia làm 2- 4 lần và uống 1 giờ trước các bữa ăn và trước khi đi ngủ, trong 4- 8 tuần.

Sucralfat làm giảm hấp thu của nhiều thuốc, vì vậy phải uống các thuốc này trước sucralfat ít nhất 2 giờ.

Misoprostol

Là prostaglandin E1 tổng hợp, có tác dụng kích thích cơ chế bảo vệ ở niêm mạc dạ dày và giảm bài tiết acid, làm tăng liền vết loét dạ dày – tá tràng hoặc dự phòng loét dạ dày do dùng thuốc chống viêm không steroid(NSAIDs).

Do hấp thu được vào máu nên gây nhiều tác dụng không mong muốn: buồn nôn, đầy bụng, khó tiêu, đau quặn bụng, tiêu chảy, chảy máu âm đạo bất thường, gây sẩy thai, phát ban, chóng mặt hay hạ huyết áp.

Chống chỉ định dùng misoprostol ở phụ nữ có thai (hoặc dự định có thai) và phụ nữ cho con bú.

Thận trọng: bệnh  nhân bị bệnh mạch não, bệnh tim mạch vì nguy cơ hạ huyết áp.
Liều dùng:

– Loét dạ dày- tá tràng: mỗi ngày 800 mg chia làm 2- 4 lần vào bữa ăn và trước khi đi ngủ, trong vòng 4- 8 tuần.

– Dự phòng loét dạ dày- tá tràng do dùng thuốc chống viêm không steroid(NSAIDs) : mỗi lần uống 200 mg, ngày 2- 4 lần cùng với thuốc chống viêm không steroid(NSAIDs).

Kháng sinh diệt vi khuẩn Helicobacter pylori:

Nếu đã xác định được sự có mặt của H- pylori trong loét dạ dày – tá tràng (bằng các test phát hiện), phải dùng các phác đồ diệt H.pylori để vết loét liền nhanh và tránh tái phát.

Phác đồ phổ biến nhất, đạt hiệu quả cao, đơn giản, sẵn có và chi phí hợp lý là phác đồ dùng 3 thuốc trong 1 tuần (one- week triple- therapy) gồm một thuốc ức chế bơm proton và 2 loại kháng sinh: amoxicilin với clarithromycin hoặc metronidazol. Phác đồ này diệt trừ được H.pylori trong hơn 90% các trường hợp.

Nếu ổ loét tái phát nhiều lần, ổ loét to, có nhiều ổ loét hoặc các trường hợp loét không đáp ứng với phác đồ 3 thuốc, dùng “phác đồ 4 thuốc trong 2 tuần” gồm một thuốc ức chế bơm proton, muối bismuth và 2 kháng sinh.

Cũng có thể phối hợp tinidazol hoặc tetracyclin với các kháng sinh khác và thuốc ức chế bài tiết acid để diệt trừ vi khuẩn H. pylori.