hở van hai lá
Rate this post

Hở van hai lá (HoHL) khi van hai lá đóng không kín trong thời kì tâm thu làm cho dòng máu chảy ngược từ thất trái lên nhĩ trái . Bộ máy van hai lá bao gồm : hai lá van , dây chằng , cột cơ , khi một trong các thành phần này bị tổn thương sẽ gây ra HOHL

hở van hai lá

Contents

I. Nguyên nhân

1. HoHL cơ năng

Do giãn buồng thất trái làm cho van hai lá giãn theo , gặp trong các bệnh như : tăng huyết áp , bệnh cơ tim ,…

2. HoHL thực tổn

Thấp tim

+ Chiếm 1/3 các trường hợp HOHL đơn thuần , hay gặp ở nam giới

+ Tổn thương làm lá van bị co ngắn lại thường kèm theo co rút và dính các dây chằng của van hai lá

+ Tổn thương thường phối hợp với các tổn thương khác như hẹp hai lá , hẹp hoặc hở van động mạch chủ kèm theo

– Viêm nội tâm mạc có loét có sùi do vi khuẩn gây thủng van hai lá

– Nhồi máu cơ tim  tổn thương đến vách , ảnh hưởng tới cầu và cột cơ

– Bẩm sinh : xơ chun nội mạc , van hai lá hình dù

– Loạn dưỡng : thoái hóa nhày các lá van và dây chằng , làm cho lá van bị sa vào nhĩ trái trong thời kì tâm thu

– Vôi hóa van hai lá : gặp ở người già nhất là phụ nữ

– Bệnh chất tạo keo : lupus ban đỏ , hội chứng Marfan , viêm cột sống dính khớp

– Nguyên nhân khác : do chấn thương , rối loạn chức năng ở van nhân tạo

3. Sinh lý bệnh

– HoHL gây dòng máu phụt ngược từ thất trái lên nhĩ trái trong thời kì tâm thu , làm cho nhĩ trái giãn ra , từ đó trong thời kì tâm trương sẽ có một lượng máu nhiều hơn bình thường xuống thất trái , làm tăng áp lực và thể tích cuối tâm trương của tâm thất trái. Lúc này tim sẽ co bóp mạnh hơn để tống máu đi , lâu dần cả thất trái và nhĩ trái đều giãn ra gây suy tim trái

– Do áp lực cuối tâm trương của thất trái tăng làm máu ứ lại ở phổi , dẫn đến tăng báp lực động mạch phổi vì vậy hay bị viêm phổi và gây tăng gánh thất phải , cuối cùng dẫn đến suy tim toàn bộ.

II. Triệu chứng

1. Cơ năng

  • Khó thở khi gắng sức , dần dần khó thở liên tục , có cơn khó thở kịch phát ban đêm gây cơn hen tim , nặng nhất là cơn phù phổi cấp
  • Ho ra máu
  • Hồi hộp trống ngực
  • Đau ngực nhất là khi có bệnh mạch vành kết hợp

2. Thực thể

  • Mỏm tim đập mạnh và lệch xuống dưới
  • Có rung miu tâm thu ở mỏm
  • Có thể nghe thấy tiếng thổi tâm thu ở mỏm với các đặc điểm : chiếm toàn bộ thời kì tâm thu , âm sắc thô giáp giống như tiếng phụt hơi nước , lan ra nách hoặc ra sau lưng , không thay đổi theo tư thế

3. Cận lâm sàng

– X-Quang

  • Thất trái to ra
  • Bóng nhĩ trái to , giãn nhiều
  • Tim to toàn bộ
  • Phổi mờ do ứ huyết

– Điện tâm đồ

  • Nhịp xoang đều hay có rung nhĩ
  • Dày nhĩ trái
  • Dày thất trái : tăng gánh tâm trương

– Siêu âm Doppler

  • Xác định HoHL : có dòng máu phụt ngược vào buồng nhĩ trái , van hai lá đóng không kín , các nốt vôi hóa , đứt dây chằng , cột cơ
  • Xác định mức độ hở : dựa vào diện tích dòng hở chia ra

+ hở nhẹ : diện tích dòng hở < 4cm²

+ hở vừa : diện tích dòng hở 4-8 cm²

+ hở nặng : diện tích dòng hở > 8cm²

  • xác định nguyên nhân gây hở van tim
  • Đo kích thước các buồng tim

III. Điều trị nội khoa HoHL

Áp dụng cho các bệnh nhân HoHL nhẹ hoặc không có chỉ định phẫu thuật

– Chỉ định phẫu thuật :

  • HoHL có triệu chứng
  • HoHL không triệu chứng kèm rung nhĩ
  • HoHl không triệu chứng , thích hợp với sửa van hai lá : tuổi <75 , EF > 60% , Ds <45mm , nhĩ trái < 50mm
  • HoHL không triệu chứng kèm theo tăng áp lực động mạch phổi , hoặc kèm theo có Ds > 45mm , EF < 60%

– Điều trị nội khoa:

  • Chế độ sinh hoạt : ăn ít muối , giảm các hoạt động thể lực
  • Dùng thuốc giãn mạch
  • Điều trị rối loạn nhịp tim bằng các thuốc chống loạn nhịp , đặc biệt là rung nhĩ , dùng thêm các thuốc chống đông
  • Điều trị suy tim : trợ tim bằng Digoxin , lợi tiểu Furocemid , ức chế men chuyển , chẹn β giao cảm
  • Nếu có cơn phù phổi cấp thì phải điều trị
  • Điều trị thấp tim tiến triển bằng kháng sinh , corticoid