1. Một số khái niệm
Khi điều trị một người bệnh bị nhiễm khuẩn bằng kháng sinh thì ở đây, tồn tại mối quan hệ qua lại của 3 thành phần, đó là:
Vì vậy, nếu việc điều trị bằng kháng sinh không thành công, ta cần xem xét sự thất bại này từ cả 3 yếu tố trên.
Trong mối quan hệ giữa vi khuẩn và kháng sinh thì sự đề kháng được hiểu là khả năng chống đối của vi khuẩn với kháng sinh và hoá chất điều trị.
Chúng ta nên phân biệt giữa đề kháng sinh học (biological resistance) và đề kháng điều trị (therapeutical resistance). Đề kháng sinh học là những cá thể của một loài do thu được những đặc tính di truyền mà giảm nhạy cảm so với các cá thể khác cùng loài đó. Những cá thể đề kháng sinh học này không nhất thiết là đề kháng điều trị, vì đề kháng điều trị chủ yếu xét trên kết quả điều trị.
Do đó đề kháng điều trị là khái niệm tương đối, có liên quan tới cường độ tác dụng và phụ thuộc vào liều lượng, tức là nồng độ ức chế tối thiểu (MIC) in vitro và ở ổ nhiễm khuẩn. Nó phụ thuộc vào nồng độ thuốc có thể đạt được và tác dụng của thuốc dựa trên những thông số hoá lý đo được ở ổ nhiễm khuẩn đó. Một tác nhân gây bệnh có biểu hiện là đề kháng ở nồng độ thấp nhưng có thể sẽ là nhạy cảm ở nồng độ cao hơn.
2. Phân loại đề kháng:
Có hai dạng là đề kháng giả và đề kháng thật.
2.1. Đề kháng giả
Đề kháng giả là có biểu hiện đề kháng nhưng không phải là bản chất, tức là không do nguồn gốc di truyền.
Ví dụ hiện tượng đề kháng của vi khuẩn khi nằm trong các ổ apxe nung mủ lớn hoặc có tổ chức hoại tử bao bọc, kháng sinh không thấm tới được ổ viêm và vi khuẩn gây bệnh nên thuốc không phát huy được tác dụng, tương tự là trường hợp có vật cản làm tuần hoàn ứ trệ.
Hoặc khi vi khuẩn ở trạng thái nghỉ (không nhân lên, không chuyển hoá) thì không chịu tác dụng của những thuốc ức chế quá trình sinh tổng hợp chất, ví dụ khuẩn lạo nằm trong hang lao.
Do vậy, khi hệ thống miễn dịch của cơ thể bị suy giảm hay chức năng của đại thực bào bị hạn chế thì cơ thể không đủ khả năng loại trừ được những vi khuẩn đã bị ức chế ra khỏi cơ thể; vì thế khi không còn thuốc kháng sinh chúng hồi phục và phát triển lại.
2.2. Đề kháng thật
Có hai loại là đề kháng tự nhiên và đề kháng thu được.
- Đề kháng tự nhiên: Một số vi khuẩn không chịu tác động của một số kháng sinh nhất định, ví dụ Pseudomonas không chịu tác dụng của penicilin hoặc tụ cầu không chịu tác dụng của colistin. Các vi khuẩn không có vách như Mycoplasma sẽ không chịu tác dụng của kháng sinh ức chế sinh tổng hợp vách, ví dụ nhóm bêta-lactam.
- Đề kháng thu được: Do một biến cố di truyền là đột biến hoặc nhận được gen đề kháng làm cho một vi khuẩn đang từ không trở nên có gen đề kháng.
Các gen đề kháng nằm trên nhiễm sắc thể hay/và plasmid của vi khuẩn hoặc/và trên transposon.
Hình 4. Vị trí gen đề kháng trong tế bào vi khuẩn
(Chú thích: C = nhiễm sắc thể; L = plasmid tra+; S = plasmid nhỏ, tra _ ; Tn = transposon)
Điều đáng quan tâm là tác dụng chọn lọc của kháng sinh: Khi kháng sinh được dùng rộng rãi và nhất là không đủ liều lượng thì kháng sinh chính là yếu tố tạo ra áp lực chọn lọc, giữ lại những dòng vi khuẩn đề kháng; nó có thể đồng thời cũng là yếu tố kích thích gây ra những đột biến cảm ứng ở vi khuẩn, không những tạo ra sự đề kháng ngày càng nhiều hơn mà mức đề kháng cũng ngày càng cao hơn (đây là điều mà chúng ta quen gọi nôm na là “nhờn” thuốc).