Insulin là thuốc đầu tay trong điều trị đái tháo đường nhưng nó cũng có nhiều tác dụng phụ và tai biến nếu dùng kèm với thuốc khác không đúng cách. Sau đây là các tương tác của thuốc và cách xử trí nếu dùng quá liều.
Tương tác thuốc insulin:
Các thuốc có thể làm giảm nhu cầu insulin là các thuốc có tác dụng làm giảm đường huyết: Các steroid tăng đồng hóa, aspirin, fenfluramin, các thuốc ức chế monoamin oxydase, octreotid, các thuốc ức chế men chuyển (captopril), guanethidin, mebendazol, oxytetracyclin.
Các thuốc có thể làm tăng nhu cầu insulin: Adrenalin, clorpromazin, thuốc tránh thai, các thuốc lợi niệu nhóm thiazid, hocmon giáp, salbutamol, terbutalin, corticoid.
Các thuốc có thể làm tăng hoặc giảm nhu cầu về insulin: Rượu, các thuốc ức chế beta, cyclophosphamid, isoniazid.
Không được sử dụng kết hợp insulin với các amin kích thích giao cảm cho phụ nữ mang thai. Người bệnh đái tháo đường không bài tiết được insulin đầy đủ để chống lại tăng đường huyết do các thuốc cường giao cảm beta gây ra, điều này có thể gây toan huyết và dẫn tới tử vong.
Tương kỵ thuốc:
Không được trộn các chế phẩm insulin của các hãng khác nhau vì thành phần của chúng (như chất đệm, chất bảo quản…) khác nhau nên có thể gây ra tương kỵ.
Các bơm tiêm sử dụng một lần có thể giải phóng các phần tử silicon vào trong lọ đựng insulin và làm giảm tác dụng của thuốc.
Trường hợp truyền insulin vào tĩnh mạch, nếu thêm albumin người vào trong dịch truyền thì sẽ làm giảm rất nhiều sự hấp phụ insulin vào bề mặt ống và bình truyền.
Bảo quản thuốc:
Bột insulin phải được bảo quản trong các lọ kín, tránh ánh sáng trực tiếp. Ðể thuốc ở nơi có nhiệt độ thấp ( – 2 đến 80C). Các chế phẩm insulin để tiêm phải được bảo quản trong tủ lạnh, nhưng không được để thuốc đông băng. Tuân thủ cách bảo quản như trên thì tác dụng của thuốc được bảo tồn ít nhất là 2 năm.
Người bệnh có thể bảo quản các chế phẩm insulin ở nhiệt độ tới 250C trong vòng 1 tháng. Phải dặn người bệnh không được để các lọ thuốc hay hộp thuốc ở nơi nóng và phải tránh bị chiếu nắng hay ánh sang trực tiếp.
Trước khi rút một liều thuốc ra khỏi lọ cần phải lắc nhẹ lọ thuốc cho đều và nếu thuốc được bảo quản trong tủ lạnh cần đưa về nhiệt độ bình thường.
Quá liều insulin và cách xử trí
Hậu quả chính của quá liều là tụt đường huyết với các triệu chứng nhược cơ, cảm giác đói, vã mồ hôi toàn thân, nhức đầu, run, rối loạn thị giác, dễ bị kích thích, lú lẫn và rồi hôn mê do hạ đường huyết. Các yếu tố thuận lợi làm xuất hiện hạ đường huyết như :rượu, đói, hoạt động thể lực quá mức so với thường ngày, nhầm liều, do tiêm bắp, đổi dùng từ dạng insulin hòa tan thông thường sang loại insulin đơn loài tinh khiết cao hay do tương tác thuốc.
Việc điều trị quá liều gồm truyền tĩnh mạch dung dịch glucose ưu trương 30% để đưa đường huyết về mức bình thường và nếu cần thiết thì phải kết hợp với dùng glucagon theo đường tiêm bắp/tĩnh mạch/dưới da (1 mg đối với người lớn; 0,5 mg đối với trẻ em và có thể nhắc lại liều này sau 20 – 25 phút, nếu cần thiết). Trước, trong và sau quá trình điều trị cần theo dõi sát đường huyết của bệnh nhân.
Qui chế thuốc:
Thuốc độc bảng B.