Rate this post

Đại cương về streptomycin

Streptomycin đặc biệt có tác dụng trên trực khuẩn lao và được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 4 năm 1944 do Waksman S. A và cộng sự chiết được từ môi trường nuôi cấy xạ khuẩn streptomyces griseus. Đây là một mốc quan trọng trong lịch sử y học vì đó là chất kháng sinh đầu tiên có thể khống chế được tế bào trực khuẩn lao. Streptomycin cũng là chất kháng sinh đầu tiên của nhóm aminoglycosid được điều chế ra.

Mặc dù có nhược điểm là có độc tính cao trên cơ quan thính giác nếu dùng kéo dài, song streptomycin vẫn là kháng sinh được sử dụng để điều trị lao kết hợp với một số thuốc điều trị lao khác có hiệu quả điều trị lao. Hiện nay ở các nước phát triển, streptomycin đã được thay thế bằng một số kháng sinh bán tổng hợp vì một mặt, streptomycin gây tổn thương cho cơ quan thính giác, một mặt khác ngày càng có nhiều vi khuẩn có khả năng kháng lại streptomycin. Một số chủng xạ khuẩn được sử dụng để sinh tổng hợp streptomycin như: str. Reticuli, str. Bikiniensis, str. Raneus, str. Humidus, str. Griseocarenus. Tuy nhiên trong công nghiệp chủ yếu người ta sử dụng một số biến chủng str. Griseus có khả năng kháng actinophage cao.

 

Cấu trúc hóa học và tính chất

Công thức hoá học của streptomycin được xác định từ những năm 1946-1948. Phân tử streptomycin bao gồm ba phần chính được liên kết với nhau bằng dây nối glycosid.

Ba phần chính của streptomycin là:

Streptidin là dẫn chất diguanidin của meso-inosid

Streptose là loại đường L có chứa nhóm aldehyd ở C3

Metylglucosamin là loại đường L có chứa nhóm metylamin ở C2.

Hai phần sau liên kết với nhau bằng dây nối glycosid tạo ra phân tử gồm hai lọa đường được gọi là streptobiosamin

Streptomycin chỉ có hoạt tính khi phân tử còn nguyên vẹn. Nếu cắt bỏ một phần bất kì nào đó trong phân tử đều làm kháng sinh mất tác dụng. Tuy nhiên nếu khử nhóm aldehyd thành nhóm alcol tạo ra dihydrostreptomycin được sử dụng trong điều trị bệnh lao. Tuy nhiên sau này người ta nhận thấy rằng dihydrostreptomycin tuy ít độc hơn streptomycin nhưng lại dễ gây điếc hơn nên hiện nay không được đưa vào sử dụng nữa.

Streptomycin là một chất bột màu trắng, không mùi, có vị đắng, hút ẩm mạnh. Dễ tan trong nước do trong phân tử có chứa nhiều nhóm hydroxyl và amin, ít tan trong ethanol, không tan trong ether và clorofom. Dạng streptomycin được sử dụng nhiều hơn cả là dạng muối sulfat, dạng muối này có ưu điểm là bền trong không khí và ánh sáng.

Streptomycin không hấp thu qua đường ruột nên được dùng để tiêm bắp. Streptomycin có tác dụng diệt khuẩn bằng cách ngăn cản quá trình tổng hợp protein của vi khuẩn (streptomycin đã gắn kết vững chắc với một trong hai vị trí gắn aminoglycosid trên tiểu phân 30S của riboxom dẫn đến ức chế tổng hợp protein của vi khuẩn). Phổ kháng khuẩn của streptomycin gồm các vi khuẩn gram âm hiếu khí và một số vi khuẩn gram dương hiếu khí, streptomycin không có tác dụng trên các vi khuẩn kị khí.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here