Tương tác thuốc là một phản ứng giữa một thuốc với một tác nhân thứ hai (thuốc, thực phẩm, hoá chất khác). Phản ứng đó có thể xảy ra khi tiếp xúc với cơ thể hay hoàn toàn ở bên ngoài cơ thể khi bào chế, bảo quản, thử nghiệm hay chế biến các thuốc.
Một tương tác thuốc không nhất thiết nguy hiểm. Đôi khi chỉ cần chú ý thận trọng đặc biệt cũng đủ làm giảm nguy cơ (theo dõi điều trị về mặt sinh học, dùng liều thích hợp, phân bố các lần dùng thuốc, sự tự theo dõi của người bệnh, cung cấp thông tin cho người bệnh về tự dùng thuốc…).
- BẢN CHẤT CỦA TƯƠNG TÁC THUỐC
1.1. Các tương tác dược động học
Đây là những tương tác xảy ra nhiều nhất. Nguy cơ tương tác xuất hiện kể từ lúc bệnh nhân dùng đồng thời hai thuốc hoặc nhiều hơn.
1.1.1. Tương tác ảnh hưởng đến hấp thu thuốc
Chúng thể hiện ở sự thay đổi tốc độ hấp thu thuốc ở đường tiêu hoá, và ở lượng thuốc được hấp thu. do đó khi thay đổi một thông sooa dược động học cũng có nghĩa là thay đổi sinh khả dụng của sản phẩm. Người ta thường thấy hiện tượng này ở những thuốc dùng theo đường uống. Để đạt sinh khả dụng mong muốn, cần tuân thủ giữ một khoảng thời gian giữa các lần dùng thuốc. Các tương tác này thường gây ra sự giảm tác dụng của thuốc.
Tương tác ảnh hưởng đến hấp thu thuốc qua đường tiêu hoá có thể có nhiều cơ chế:
- Sự tạo thành những phức hợp khó hấp thu( những phức lớn)
Ví dụ các tetracyclin tạo ra với canxi, nhôm, magnesi những phức chất không hấp thu được qua thành ruột -dạ dày. Như vậy cần tránh dùng đồng thời tetracyclin với các thuốc băng niêm mạc đường tiêu hoá có thành phần chủ yếu là nhôm, magnesi, canxi để tránh tạo sự khó hấp thu.
Ví dụ một chất nhựa như cholestyramin là thuốc giảm cholesteron máu có mục đích là giữ cholesterol, lại có thể giữ nhiều thứ thuốc nếu dùng đồng thời (các chất chống đông dùng đường uống, các thuốc họ digital, các nội tiết tố tuyến giáp). Những chế phẩm có chứa muối sắt tạo ra những phức hợp với các chất kháng acid chứa các muối nhôm, canxi, và magnesi.
- Hoà tan trong những chất lỏng không hấp thu được.
Ví dụ dầu vaselin dùng lâu dài có thể làm giảm rất nhiều sự hấp thu các vitamin tan trong dầu (A, D, E, K) – do đó cần cảnh giác ở những bệnh nhân dùng thuốc kháng vitamin K.
- Sự thay đổi pH của dạ dày, ruột.
Ví dụ các thuốc làm tăng pH dạ dày như kháng H2 hay kháng acid có chứa muối nhôm, magnesi hay canxi có thể làm chậm lại hay làm giảm sự hấp thu một số hoạt chất như furosemid, indometacin, digoxin, isoniazid… do
- Do hiện tượng hấp phụ.
Ví dụ các chất Kaolin, nhôm pentasilicat, pectin, cyclamat có tác dụng hấp phụ một số thuốc (lincomycin, paracetamol, aspirin, acid nalidixic, nitrofurantoin, các thuốc chống đông đường uống…)
- Sự thay đổi thời gian tiếp xúc giữa thuốc với niêm mạc do tác dụng trên nhu động của ruột.
Các chất kháng cholinergic, các chất kháng histamin có tính kháng cholinergic, các chất phong bế hạch, các chất từ thuốc phiện, acid acetylsalicylic làm chậm sự tháo sạch các chất qua dạ dày.
- Sự thay đổi lưu lượng máu trong niêm mạc ruột.
Ví dụ các chất gây co mạch, dãn mạch.
- Tác dụng độc trên niêm mạc ruột, thậm chí phá huỷ các vi khuẩn ruột.
Hội chứng hấp thu kém, hoặc có thể cản trở các vi khuẩn sinh ra một chất cần thiết. Ví dụ như khi dùng tetracyclin trong một thời gian sẽ phá huỷ vi khuẩn ở ruột, ngăn cản sự tổng hợp vitamin K do vi khuẩn hoại sinh ở ruột (thay đổi đáp ứng của các thuốc kháng vitamin K).
- Tốc độ và lượng thuốc hấp thu qua đường tiêu hoá tăng.
Vi dụ như một số thuốc làm thay đổi nhu động của dạ dày sẽ tác động đến quá trình hấp thu thuốc. Ví dụ các thuốc kháng acid và penicilin G – Alcol ethylic và theophylin. Chất kiềm hoá và thuốc có tính base (cloroquin, imipramin, quinin, amphetamin).
- Sự tái hấp thu thụ động qua ống thận
Những thuốcđã được đưa xuống thận có thể quay lại tuần hoàn do sự tái hấp thu của ống thận, đặc biệt ở những vùng xa của đơn vị thận. Cơ chế sử dụng ở đây là những cơ chế điều khiển trao đổi qua các màng sinh học. Nước tiểu lọc qua cầu thận và bài tiết qua ống thận gần được cô đặc do sự tái hấp thu nước của thận. Hiện tượng này đóng vai trò quan trọng đối với những hoạt chất có thể ion hoá, do pH của nước tiểu dễ bị thay đổi nên lợi dụng điều này có thể dung các chất làm thay đổi pH nước tiểu để đào thải thuốc. Vì vậy, những loại thuốc làm thay đổi pH của nước tiểu có thể là nguồn gốc của các tương tác thuốc.
Các thuốc dễ tan trong nước có trọng lượng phân tử cao không bị tái hấp thu và không gây tương tác ở khâu này do bản chất tan trong nước. Trái lại các chất dễ tan trong mỡ có thể bị tái hấp thu. Đây là trường hợp các acid, base yếu dưới dạng không ion hoá.
Vì vậy, tăng pH của nước tiểu làm tăng tái hấp thu các base bằng cách làm giảm ion hoá. Ngược lại, giảm pH nước tiểu làm tăng tái hấp thu các acid. Cho nên, nửa đời của amphetamin tăng gấp đôi khi pH của nước tiểu chuyển từ 5 đến 8, còn độ thanh thải qua thận của quinidin bị giảm từ 1 đến 10 khi pH chuyển từ 6 đến 7,5 . Thải trừ của phenobarbital tăng khi dùng natri bicacbonat (điều trị kinh điển nhiễm độc barbituric).
( Còn tiếp)