Các dấu hiệu có thể có thai
Các hiệu này thường xuất hiện muộn hơn những dấu hiệu hướng tới có thai
- Bụng lớn
Khi có thai, mỗi tháng tử cung đều lớn lên, và từ tháng thứ hai, mỗi tháng tử cung cao trên khớp vệ trung bình 4cm. Từ sau tháng thứ 3 đã có thể sờ thấy tử cung qua thành bụng. Tử cung càng lớn bao nhiêu bụng càng to lên bấy nhiêu. Và đến tháng cuối của thời kì mang thai, tử cung cao trung bình 32cm.
Tuy nhiên có nhiều nguyên nhân làm cho bụng lớn mà không phải là có thai như: bụng béo dần, các khối u trong tử cung, trong phần phụ trong ổ bụng to dần lên… có thể nhầm lẫn với tình trạng bụng to do mang thai, dặc biệt ở những người tâm thần, thiếu hiểu biết…
- Cơn co Braxton-Hicks
Đó là những cơn co không đều,tần số thưa, không xuất hiện thường xuyên và không làm cho thai phụ đau. Cơn co này thường xuất hiện từ tuần lễ thứ 9 – 10 trở đi, có thể nhận biết được qua thăm khám bằng tay. Ở những tháng cuối cơn co có thể tăng lên gây khó chịu, cần phân biệt với cơn co tử cung khi chuyển dạ (cơn co xuất hiện tự nhiên ngoài ý muốn, có chu kì và đều đặn, cường độ và tần số tăng dần, thòi gian mỗi cơn co dài dần ra và đặc biệt là gây đau cho thai phụ)
Cơn co Braxton-Hicksdo J.Braxton-Hicks tìm ra vào năm 1872.
- Dấu hiệu Noble
Trong giai đoạn sớm của thời kì mang thai,tử cung to nhanh theo chiều trước sau hơn chiều ngang, thân tử cung có hình tròn, do đó ta có thể nhận biết dấu hiệu này thông qua việc khám âm đạo bằng tay. Khi khám âm đạo thấy phần dưới tử cung phình to,nắn thấy qua túi cùng bên âm đạo.
Tuy nhiên có nhiều nguyên nhân khác nhau có thể làm cho tử cung to ra: u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, ứ huyết tử cung… các nang phần phụ hoặc u phần phụ cũng coc thể chẩn đóan nhầm là tử cung tăng kích thước. Do đó, khi khám qua âm đạo thấy tử cung tăng kích thước cần phải chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý làm tăng kích thước tử cung.
- Dấu hiệu Hégar
Khi có thai,phần dưới tử cung bị mềm hóa. Khi khám tiểu khung có thể nhận biết được sự khác biệt giữa phần đáy tử cung với phần dưới tử cung. Cách khám: người thầy thuốc thăm khám phối hợp hai tay, một tay khám qua âm đạo, một tay phía trên thành bụng. Do phần dưới tử cung mềm hóa nên tay thầy thuốc có cảm giác như các ngón tay chạm vào nhau và phần dưới tử cung tách rời khỏi thân tử cung.
Tuy nhiên có một số trường hợp không phải mang thai nhưng vẫn có dấu hiệu này như sử dụng thuốc tránh thai chứa estrogen cũng có thể làm mềm cổ tử cung và khi khám cố thể bị nhầm lẫn. Do đó, trong quá trình khám, việc hỏi rõ bệnh sử của người đến khám là hết sức quan trọng.
Khi làm dấu hiệu Hegar có thể gây ra sự khó chịu cho người phụ nữ, thậm chí có nguy cơ gây sảy thai. Vì vậy nên hạn chế làm động tác này khi thăm khám.