kháng sinh
Rate this post

NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ SỬ DỤNG KHÁNG SINH CHƯA HỢP LÝ

1. Trong cơ sở y tế

  • Chẩn đoán bệnh chưa đúng do bác sĩ chưa chú ý, chưa xác định chính xác được vi khuẩn gây bệnh.
  • Không nắm được đầy đủ thông tin về tình hình kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh tại địa phương và trong khu vực.
  • Lạm dụng kháng sinh phổ rộng, điều trị mang tính chất bao vây.
  • Lạm dụng phối hợp kháng sinh hoặc chưa biết các nguyên tắc phối hợp kháng sinh.
  • Chưa chú ý hiệu chỉnh liều kháng sinh nhóm aminoglycozid, bêta-lactam…đối với nhóm bệnh nhân đặc biệt (người cao tuổi, người suy thận, người suy gan, trẻ em, phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú…)

Nguyên nhân

  • Thiếu các hướng dẫn điều trị.
  • Bác sĩ và dược sĩ thiếu kiến thức về sử dụng thuốc hợp lý (dược lý lâm sàng, dược lâm sàng) hoặc chưa ứng dụng kiến thức vào thực hành lâm sàng.
  • Bác sĩ thiếu cập nhật thông tin sử dụng thuốc hợp lý
  • Tác động của yếu tố kinh tế trong kê đơn và sử dụng kháng sinh.

 

 

2. Trong cộng đồng

  • Người dân mua kháng sinh và tự điều trị không có đơn của bác sĩ.
  • Quản lý thực hiện quy chế kê đơn và bán thuốc theo đơn chưa chặt chẽ.
  • Sử dụng kháng sinh không đúng mục đích như dùng kháng sinh điều trị bệnh thông thường do virus, sử dụng kháng sinh dưới liều khuyến cáo, không đủ thời gian…

Nguyên nhân:

  • Người dân thiếu các kiến thức y học thông thường, không hiểu mức độ cần thiết của việc chẩn đoán và điều trị đúng bệnh nhiễm khuẩn.
  • Thiếu giáo dục về sử dụng kháng sinh hợp lý.
  • Không biết tác hại của việc sử dụng kháng sinh không hợp lý, an toàn.
sử dụng kháng sinh đúng cách

3. Hậu quả việc sử dụng kháng sinh không hợp lý

3.1. Đối với tác nhân gây bệnh

  • Gia tăng các tác nhân gây bệnh, các chủng vi khuẩn kháng kháng sinh.
  • Xuất hiện nhanh các chủng đề kháng mới.
  • Lan truyền các chủng vi khuẩn kháng thuốc từ động vật sang người.

3.2. Đối với điều trị

  • Điều trị kéo dài hoặc thất bại.
  • Các nhà nghiên cứu phải tìm các kháng sinh mới thay thế cho các loại kháng sinh đã bị đề kháng.
  • Phải tăng liều hoặc phối hợp nhiều loại kháng sinh nếu gặp vi khuẩn đề kháng.

 

4. Ngăn ngừa kháng kháng sinh

4.1. Trong cơ sở y tế

  • Sử dụng các số liệu về kháng kháng sinh tại địa phương nhằm lựa chọn kháng sinh hợp lý. Số liệu về sự kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh rất khác nhau và phụ thuộc vào các yếu tố như địa điểm, quần thể bệnh nhân, từng bệnh viện hay thời gian điều trị của bệnh nhân, do đó cần lưu ý đến số liệu về tình hình kháng thuốc tại mỗi địa phương để lựa chọn kháng sinh điều trị.
  • Các hoạt động tuyên truyền giáo dục sử dụng kháng sinh
    • Theo dõi và thông tin về kháng kháng sinh thường xuyên, nâng cao nhận thức về kháng kháng sinh tại các cơ sở y tế.
    • Sử dụng các công cụ, chương trình đào tạo, tuyên truyền giáo dục, hướng dẫn sử dụng kháng sinh hợp lý cho bác sĩ, nhân viên y tế và bệnh nhân.
  • Ngăn chặn nhiễm khuẩn
    • Tiêm vaccine phòng các bệnh nhiễm khuẩn có thể phòng tránh được.
    • Hạn chế các thủ thuật can thiệp, thủ thuật gây xâm lấn khi không thật cần thiết.
    • Thực hiện tốt công tác chống nhiễm khuẩn bệnh viện.
  • Chẩn đoán và điều trị hiệu quả
    • Xác định chính xác vi khuẩn gây bệnh, tham khảo ý kiến chuyên gia bệnh nhiễm khuẩn trước khi kê đơn. Thực hiện thực hành kê đơn tốt (GPP).
    • Xây dựng các hướng dẫn điều trị các bệnh nhiễm khuẩn, tăng cường hợp tác giữa các tổ chức chuyên môn, các tạp chí chuyên ngành đăng tải các thông tin y học dựa trên bằng chứng.
  • Can thiệp của nhân viên y tế với bệnh nhân có nguy cơ cao
  • Đào tạo, giáo dục kiến thức về thông tin thuốc và điều trị
    • Tăng cường đào tạo lại cho bác sĩ, dược sĩ kiến thức sử dụng kháng sinh hợp lý, sử dụng thông tin về kháng kháng sinh trong kê đơn.
    • Xây dựng danh mục thuốc kháng sinh sử dụng trong bệnh viện, đánh giá sử dụng kháng sinh trên lâm sàng.
    • Thu thập và báo cáo thông tin về hiệu quả điều trị, các phản ứng có hại (ADR)

4.2. Với cộng đồng

  • Tuyên truyền giáo dục sức khoẻ thông qua các cơ sở Y tế và phương tiện thông tin đại chúng.
  • Giáo dục sử dụng kháng sinh hợp lý thông qua các tổ chức quần chúng như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên…
  • Sử dụng các hình thức truyền thông khác nhau trong tuyên truyền kiến thức về sử dụng thuốc kháng sinh.

4.3. Với người bán thuốc

  • Giáo dục sử dụng kháng sinh hợp lý.
  • Kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện bán thuốc theo đơn.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here