1. Một số biện pháp hạn chế gia tăng vi khuẩn kháng kháng sinh
- Chỉ dùng kháng sinh để điều trị những bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra (không dùng thuốc kháng khuẩn để điều trị nhiễm trùng do virus).
- Chọn kháng sinh theo kết quả kháng sinh đồ; nên ưu tiên kháng sinh có hoạt phổ hẹp có tác dụng đặc hiệu trên vi khuẩn gây bệnh.
- Dùng kháng sinh đủ liều lượng và thời gian.
- Đề cao các biện pháp khử trùng và tiệt trùng, tránh lan truyền vi khuẩn
đề kháng. - Liên tục giám sát sự đề kháng kháng sinh của vi khuẩn.
2. Chọn kháng sinh
Sáu điều cân nhắc khi chọn kháng sinh (theo Tổ chức Y tế thế giới, 1991) cho một vi khuẩn là tác nhân gây bệnh, là:
- Phổ tác dụng của thuốc
- Đặc tính dược động học
- Độc tính
- Hiệu quả
- Khả năng sẵn có
- Giá cả
Theo tài liệu “Hướng dẫn sử dụng kháng sinh” của Hội đồng Tư vấn sử dụng thuốc Victorian, Australia (1997) thì việc chọn thuốc dựa trên các yếu tố sau:
- Phổ tác dụng của thuốc trên vi khuẩn nghi ngờ là tác nhân gây bệnh
- Độ an toàn
- Kinh nghiệm điều trị thực tế trước đó
- Giá cả
- Khả năng chọn lọc vi khuẩn đề kháng và nguy cơ bội nhiễm
Tầm quan trọng của từng yếu tố tuỳ thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh và còn tuỳ thuộc vào tác nhân gây bệnh phân lập được. Ngoài ra, còn phải chú ý đến các phản ứng không mong muốn của từng thuốc với từng người bệnh.
3. Điều trị kháng sinh theo kinh nghiệm
Dựa trên cơ sở các số liệu dịch tễ học về vi khuẩn gây bệnh và kiểu cách (mức độ) đề kháng kháng sinh của chúng. Tuỳ theo điều kiện, lấy được bệnh phẩm để nhuộm Gram, nuôi cấy phân lập và thử kháng sinh đồ trước khi điều trị kháng sinh là tốt nhất. Một tiêu bản nhuộm Gram hay một xét nghiệm tìm kháng nguyên trực tiếp, ví dụ trong viêm màng não, có thể cho phép có được biện pháp điều trị đặc hiệu, trước khi có kết quả nuôi cấy.
4. Điều trị kháng sinh (hướng trực tiếp) theo kết quả xét nghiệm
Điều trị kháng sinh hướng trực tiếp vào tác nhân gây bệnh bao hàm: Thuốc có hiệu quả nhất, ít độc nhất, phổ chọn lọc nhất. Làm được như vậy sẽ giảm việc sử dụng kháng sinh phổ rộng, gây ra áp lực chọn lọc và nguy cơ bội nhiễm, cũng như sẽ mang lại hiệu quả kinh tế nhất.
5. Phối hợp kháng sinh
Dựa trên cơ sở:
- Nhằm diệt được nhiều loại vi khuẩn trong các nhiễm khuẩn hỗn hợp, ví dụ kháng sinh diệt vi khuẩn ưa khí với kháng sinh diệt vi khuẩn kỵ khí cho nhiễm trùng do cả vi khuẩn ưa khí và kỵ khí gây ra; ví dụ đa chấn thương nhiễm bẩn, nhiễm trùng phụ khoa…
- Nhằm làm tăng hiệu quả diệt khuẩn (tác dụng hiệp đồng – synergy) trên một loài vi khuẩn gây bệnh; ví dụ trong điều trị viêm màng trong tim do liên cầu đường ruột, viêm tuỷ xương…
- Nhằm làm giảm xác suất xuất hiện vi khuẩn đề kháng (do đột biến), ví dụ trong điều trị lao phải phối hợp 3, thậm chí 5 kháng sinh.
6. Kháng sinh đồ
Định nghĩa: Kháng sinh đồ là kỹ thuật xác định độ nhạy cảm của vi khuẩn với kháng sinh nhằm giúp thầy thuốc chọn được kháng sinh thích hợp và biết liều lượng thích hợp dùng trong điều trị.
Có hai kỹ thuật kháng sinh đồ: Kỹ thuật kháng sinh khuếch tán và kháng sinh pha loãng trong môi trường nuôi cấy vi khuẩn. Phổ biến nhất là kĩ thuật khoanh giấy kháng sinh khuếch tán, được thực hiện tại nhiều labo Vi sinh lâm sàng. Kết quả của kỹ thuật kháng sinh đồ này được chia thành ba loại: Nhạy cảm S (susceptible), trung gian I (intermediate) và đề kháng R (resistant). Thầy thuốc thường sẽ chọn những kháng sinh cho kết quả S để điều trị và không dùng những kháng sinh cho kết quả R.