Có thai có thể trở thành rắc rối do bệnh mạn tính hay một bệnh mới phát sinh. Trong quá khứ, nhiều chứng bệnh được xem là chống chỉ định khi có thai, song đến ngày nay, nhờ tiến bộ của ngành y tế, nếu được chăm sóc tốt thì mẹ tròn con vuông không còn là vấn đề khó khăn để có thể xảy ra.
Trong khi có thai, sức cản của hệ mạch sẽ giảm. Mặc dù 40 phần trăm cung lượng tim tăng trong ba tháng thứ hai của thời kì mang thai, song huyết áp thường giảm (thường còn 100/70mmHg hoặc thấp hơn). Bình thường huyết áp có thể tăng nhẹ vào ba tháng cuối thời kì mang thai, tuy nhiên áp lực tâm thu tăng trên 30 mmHg hoặc áp lực tâm trương tăng trên 15 mmHg so với trị số bình thường vào bất kì thời gian nào khi có thai cũng đều được coi là không bình thường. Tăng huyết áp làm gia tăng tỉ lệ chết chu sinh, thai chết lưu, thai chậm phát triển và tiền sản giật. Tăng huyết áp khi có thai thường có một trong bốn nguyên nhân:
- tiền sản giật (nhiễm độc thai nghén)
- Tăng huyết áp vô căn mạn tính
- Tăng huyết áp khi có thai
- bệnh thận.
Tăng huyết áp mạn vô căn
Trong thời gian có thai, các phụ nữ tăng huyết áp mạn vô căn cũng giống như các phụ nữ bình thường, bị giảm sức cản ngoại vi. Có thể đo thấy huyết áp bình thường trong lần có thai đầu tiên. Phụ nữ bị tăng huyết áp mạn vô căn có nguy cơ bị tiền sản giật nhiều hơn so với phụ nữ bình thường. Biện pháp quan trọng phát hiện sự phát triển của biến chứng này là giám sát chặt chẽ protein niệu, creatinin và acid uric trong huyết thanh. Không có bằng chứng cho thấy có thai có tác dụng xấu đối với bệnh tăng huyết áp mạn tính vô căn. Do vậy, việc dùng thuốc chống tăng huyết áp (không phải các thuốc ức chế ACE-thuốc ức chế men chuyển đổi angiotensin-thuốc này bị chống chỉ định dung cho phụ nữ có thai vì làm tăng nguy cơ tử vong thai) phải được dùng liên tục trong suốt thời gian có thai cho các phụ nữ này. Anpha –methyldopa đã sử dụng rộng rãi trong khi có chửa và những đứa trẻ mà người mẹ đã dung thuốc này trong suốt thời gian có thai đều phát triển bình thường.
Tăng huyết áp khi có thai
Tăng huyết áp xuất hiện vào cuối thời kì có thai (không có bằng chúng của tiền sản giật) và mất đi sau khi đẻ được gọi là tăng huyết áp khi có thai. Những phụ nữ mắc chứng bệnh này thường tăng quá mức, những người khác có một tiền sử gia đình tăng huyết áp, tình cờ xuất hiện tăng huyết áp mạn vô căn về sau và có một tần số cao hồi quy trong những lần có thai tiếp theo. Cần chú ý phát hiện protein niệu và acid uric, creatinin huyết thanh hoặc BUN (nồng độ nito-ure), những trị số này vẫn ở mức bình thường trong tăng huyết áp khi có thai nhưng lại tăng trong tiền sản giật. Những trường hợp này thường dung một tác nhân chẹn beta hoặc sử dụng thuốc anpha-methyldopa để làm hạ huyết áp. Không được sử dụng thuốc ức chế ACE.