Sau khi thuốc được hấp thu và phân bố vào máu đến các cơ quan cho tác dụng thì chúng sẽ bị chuyển hóa( chủ yếu ở gan) thành chất còn hoạt tính hoặc không còn hoạt tính bơi enzym gan CytP450 hay các phản ứng liên hợp. Cuối cùng thuốc sẽ bị thải trừ ra ngoài cơ thể( chủ yếu là thận, bên cạnh đó thuốc còn thải trừ qua mồ hôi, qua mật, qua sữa mẹ.. nên một số thuốc cần thận trọng khi sử dụng với phụ nữa cho con bú hay những thuốc có chu trình gan- ruột)
1. Chuyển hoá
Ý nghĩa của quá trình chuyển hoá thuốc
Gan là cơ quan chính cho chuyển hoá thuốc. Rất nhiều thuốc được chuyển hoá tại gan nhờ các enzym chuyển hoá.
Chuyển hoá biến đổi các thuốc thành các chất dễ bài xuất hơn. Chuyển hoá thuốc có thể dẫn tới các chất chuyển hoá mất hoạt tính hay còn hoạt tính. Đôi khi có thể là chất chuyển hoá có độc tính, ví dụ paracetamol.
Các thuốc được chuyển hoá qua gan bao gồm:
- Erythromycin, clarithromycin
- Metronidazol, clindamycin, cloramphenicol
- Cefotaxim, cephalothin
Khi suy giảm chức năng gan, chuyển hoá các thuốc trên bị suy giảm. Điều này có thể dẫn đến sự gia tăng nồng độ thuốc trong máu. Trong trường hợp suy giảm chức năng gan nên tránh dùng các thuốc chuyển hoá qua gan hay phải hiệu chỉnh liều thuốc.
Các thuốc khác không chuyển hoá qua gan, ví dụ aminoglycosid (amikacin, gentamicin, kanamycin).
Các enzym chuyển hoá
Enzym chuyển hoá là các chất làm biến đổi hay chuyển hoá thuốc. Các chất này được tìm thấy tại gan, ruột và các mô khác. Các enzym đặc hiệu chuyển hoá các thuốc đặc hiệu. Enzym chuyển hoá có thể ức chế hay cảm ứng hay không ảnh hưởng bởi các thuốc nhất định.
Chú ý khi ức chế hay cảm ứng các enzym chuyển hoá
Erythromycin ức chế enzym chuyển hoá theophylin dẫn đến nồng độ theophylin cao hơn trong máu. Điều này có nghĩa gây tăng độc tính của theophylin.
Rifampicin cảm ứng enzym chuyển hoá thuốc tránh thai đường uống và dẫn tới giảm nồng độ thuốc tránh thai, đôi khi làm mất tác dụng tránh thai.
2. Thải trừ
Thận là cơ quan thải trừ chính của cơ thể. Một vài thuốc được thải trừ qua đường ruột, da hoặc phổi.
Những thuốc thải trừ qua thận:
- Aminoglycosid: gentamicin, tobramicin…
- Các penicilin: penicilin G, penicilin V, ampicilin, amoxicilin…
- Cephalosporin: cephalecin, cephalothin, cefotaxim…
- Fluoroquinolon: ciprofloxacin, norfloxacin…
Phải tránh dùng hay phải hiệu chỉnh liều các thuốc này khi dùng cho bệnh nhân suy chức năng thận. Cần chú ý rằng cefotaxim và cephalothin tránh dùng hoặc rất cẩn thận khi dùng cho người bị suy gan và thận.
Nếu không thật cần thiết nên tránh dùng phối hợp 02 thuốc có nguy cơ độc tính tiềm tàng cho bệnh nhân suy chức năng thận (ví dụ gentamicin + cefotaxim). Chỉ sử dụng phối hợp này trong một số trường hợp nhiễm khuẩn nặng.
Các yếu tố ảnh hưởng đến thải trừ thuốc qua thận:
- Chức năng thận: Giảm chức năng thận dẫn đến giảm thanh thải thuốc được đào thải qua thận.
- pH nước tiểu: Kiềm hoá nước tiểu dẫn đến tăng thải trừ các thuốc có bản chất acid yếu như barbiturat; acid hoá nước tiểu dẫn đến tăng thải trừ các thuốc có bản chất kiềm yếu.
- Probenecid giảm thải trừ các penicilin.