Rate this post

Bệnh van tim và phụ nữ có thai

Khi có thai, sức cản mạch hệ thống sẽ giảm. Bình thường, thể tích tống máu tăng, tăng tần số tim và cung lượng tim. Những thay đổi này gây ra tiếng thổi tâm thu hoặc tiếng tim thứ ba. Tăng cung lượng tim vượt quá mức tiêu thụ oxy làm cho mức chênh áp lực oxy giữa động mạch và tĩnh mạch tụt xuống. có bốn loại bệnh tim bị ảnh hưởng xấu của thai nghén:

  • Bệnh van tim
  • Tăng áp lực động mạch phổi tiên phát
  • Hội chứng Eisenmenger
  • Hội chứng Marfan

Trong bệnh van tim, thai nghén có ảnh hưởng đến bệnh cũng như bệnh ảnh hưởng đến thai nghén. Thai nghén và bệnh có tác động qua lại lẫn nhau và có thể cùng làm cho cả hai thêm tồi tệ hơn.

Trong bệnh hẹp van hai lá, việc tăng cung lượng tim gây tai hại cho người phụ nữ đang mang thai. Nếu xác định được hẹp van hai lá khít trước khi có thai thì nên tiến hành nong van tim trước khi thụ thai, nếu điều kiện cho phép. Đối với những phụ nữ có thai bị hẹp van hai lá không triệu chứng phải được theo dõi sát nhưng không cần điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, nếu xuất hiện triệu chứng xung huyết phổi thì cần dùng thuốc lợi tiểu và hạn chế hoạt động.Với những bệnh nhân có rung nhĩ cần được điều trị bằng digoxin uống để làm chậm nhịp thất. Tắc nghẽn mạch do hẹp hai lá cần dùng thuốc chống đông hệ heparin tiêm tĩnh mạch. Không được sử dụng warfarin cho phụ nữ mang thai vì có khả năng gây quái thai. Khi có thai có triệu chứng hẹp van hai lá có thể được tiến hành mở van tim (bằng giải phẫu hoặc tốt hơn tạo hình van hai lá bằng bóng hơi), phẫu thuật mổ tim thường làm tăng nguy cơ tử vong cho thai.

Hở van hai lá thường ít gây rắc rối khi có thai là do sức cản ngoại vi thấp hơn. Hẹp van động mạch chủ là một chống chỉ định đối với thai nghén trừ trường hợp thương tổn đã được sửa chữa. Ở các phụ nữ hẹp van động mạch chủ có nguy cơ, tỉ lệ tử vong mẹ đã được báo cáo khoảng 15 phần trăm.

Ở phụ nữ có thai tồn tại van tim nhân tạo sinh ra khá nhiều vấn đề. Vấn đề thường đặt ra là tình trạng đông máu ở những phụ nữ này.Những phụ nữ có thai ghép van tim cần thiết phải tiếp tục dùng thuốc chống đông. Wafarin không được dùng vì có thể gây quái thai, heparin được ưa dùng hơn. Tuy nhiên heparin có thể gây chảy máu và chết thai. Các van bằng mô tế bào (van sinh học) ít gây nghẽn mạch hơn nhưng có nhược điểm là không tồn tại được lâu ở người trưởng thành. Thời gian tồn tại chỉ khoảng 10 năm. Do vậy, với các phụ nữ có bệnh nặng ở van tim thì nên cố gắng đẻ mẹ tròn con vuông trước khi thay van tim và nên tránh có thai các lần sau nếu đã thay van tim.

Những phụ nữ thay vay tim cần dự phòng bằng các kháng sinh có tác dụng với các vi khuẩn đường tiết niệu, sinh dục trong thời kì chửa đẻ.